Quy định của pháp luật về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài

0
Tài chính

Hiện nay, đầu tư ra nước ngoài là một xu hướng mang lại nhiều lợi ích giúp phát triển, mở rộng, khai thác thị trường mới; tiếp cận được các công nghệ mới ở nước ngoài; tăng khả năng sản xuất hàng hóa dịch vụ; cũng như nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Do đó, nhà nước ta luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì mới có thể thực hiện được hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Vậy để được cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài thì cần phải đáp ứng được những điều kiện gì, hồ sơ và thủ tục ra sao? Hãy cùng tìm hiểu rõ qua nội dung bài viết dưới đây.

Giấy chứng nhận đầu tư là gì?

Căn cứ theo Khoản 11 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, giấy chứng nhận đầu tư (giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) được định nghĩa như sau:

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư“.

Có thể hiểu một cách đơn giản, giấy chứng nhận đầu tư là giấy phép hoạt động được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền cho các cá nhân hay tổ chức có đủ điều kiện thực hiện các dự án đầu tư.

Giấy chứng nhận đầu tư

Giấy phép đầu tư ra nước ngoài là gì?

Giấy phép đầu tư ra nước ngoài là văn bản được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động chuyển vốn đầu tư sang nước ngoài từ Việt Nam khi các nhà đầu tư này đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là gì?

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài được giải thích tại khoản 13 Điều 3 Luật đầu tư 2020 như sau:

“13. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.”

Các hình thức đầu tư ra nước ngoài

Các hình thức đầu tư ra nước ngoài

Khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần thực hiện theo các hình thức được quy định tại Khoản 1, Điều 52, Luật Đầu tư 2020 cụ thể như sau:

  • Nhà đầu tư cần thành lập tổ chức kinh tế do nước tiếp nhận đầu tư quy định theo pháp luật nước đó;
  • Nhà đầu tư cần đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
  • Để tham gia quản lý tổ chức kinh tế ở nước ngoài thì nhà đầu tư phải góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế đó;
  • Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua quỹ đầu tư chứng khoán hay thông qua các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
  • Ngoài ra nhà đầu tư có cũng có thể lựa chọn các hình thức đầu tư khác do nước tiếp nhận đầu tư quy định theo pháp luật của nước đó (nếu có).

Có thể thấy, dù thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức nào đều thì nhà đầu tư đều cần phải có Giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài.

Xem thêm: Giấy chứng nhận đầu tư hết hiệu lực khi nào? 

Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần đáp ứng điều kiện gì?

Căn cứ theo Điều 60 Luật Đầu tư 2020 quy định, các điều kiện mà nhà đầu tư cần đáp ứng để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cụ thể như sau:

“1. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 51 của Luật này.

Theo đó, tại Điều 51 luật này quy định, hoạt động thực hiện đầu tư ra nước ngoài bao gồm 2 nguyên tắc như sau:

  • Nhà nước khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để nhằm mục đích gia tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, thu ngoại tệ, dịch vụ; phát triển, khai thác, mở rộng thị trường; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
  • Khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác có liên quan của pháp luật và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư (hay còn gọi là nước tiếp nhận đầu tư) cũng như tuân thủ các điều ước quốc tế có liên quan; Đối với hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài, nhà đầu tư cũng sẽ tự chịu trách nhiệm.
  1. Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài quy định tại Điều 53 của Luật này và đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này.
  2. Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài cửa tổ chức tín dụng được phép.
  3. Có quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
  4. Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.”

Hồ sơ và thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Đối với hồ sơ và thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được quy định rõ tại Điều 61, Luật Đầu tư 2020 như sau:

– Đối với các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật này, trong thời hạn 5 ngày làm việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp cho nhà đầu tư Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

– Còn đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì nhà đầu tư cần nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ cụ thể như sau: 

  • Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo Điều 59 của Luật này quy định;
  • Văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ hoặc văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép theo khoản 3 Điều 60 của Luật này quy định;
  • Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề theo khoản 1 Điều 54 của Luật này quy định, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

– Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên.

– Kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 15 ngày làm việc; Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do đối với trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

– Chính phủ sẽ quy định chi tiết về trình tự và thủ tục thực hiện thẩm định dự án đầu tư ra nước ngoài; cấp, điều chỉnh, chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Hồ sơ và thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được quy định rõ tại Điều 61, Luật Đầu tư 2020

Hồ sơ và thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được quy định rõ tại Điều 61, Luật Đầu tư 2020

Giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài có nội dung như thế nào?

Nội dung của mẫu giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được quy định cụ thể tại Điều 62, Luật Đầu tư 2020 như sau:

“Điều 62. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

  1. Mã số dự án đầu tư.
  2. Nhà đầu tư.
  3. Tên dự án đầu tư, tên tổ chức kinh tế ở nước ngoài (nếu có).
  4. Mục tiêu, địa điểm đầu tư.
  5. Hình thức đầu tư, vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hình thức vốn đầu tư, tiến độ thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
  6. Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư.
  7. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư (nếu có).”

Điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài được pháp luật quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 63 Luật đầu tư 2020, việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài được quy định rõ như sau:

– Các trường hợp mà nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cụ thể như sau:

  • Thay đổi nhà đầu tư Việt Nam;
  • Thay đổi hình thức đầu tư;
  • Thay đổi vốn đầu tư ra nước ngoài; hình thức vốn đầu tư hay nguồn vốn đầu tư;
  • Thay đổi về địa điểm thực hiện hoạt động đầu tư đối với những dự án đầu tư yêu cầu phải có địa điểm đầu tư;
  • Thay đổi về mục tiêu chính của hoạt động đầu tư ở nước ngoài;
  • Hay cần sử dụng đến lợi nhuận đầu tư ở nước ngoài theo điểm a và điểm b khoản 1 Điều 67 của Luật này quy định.

– Khi thay đổi các nội dung khác với quy định tại khoản 1 Điều này thì nhà đầu tư cần phải cập nhật trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

– Đối với hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần chuẩn bị các loại giấy tờ khi thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài như sau:

  • Khi muốn điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, đầu tiên nhà đầu tư cần có văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Bản báo cáo về tình hình hoạt động của dự án đầu tư đến thời điểm nộp hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Quyết định điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo Điều 59 của Luật này quy định hoặc các văn bản được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 57 của Luật này;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Trong trường hợp điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài cần có văn bản xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư của cơ quan thuế. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế tính đến ngày nộp hồ sơ là không quá 03 tháng.

Điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài

– Về thời hạn thực hiện việc điều chỉnh: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

– Đối với các dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, khi điều chỉnh các nội dung tại khoản 1 Điều này và khoản 8 Điều 57 của Luật Đầu tư 2020 quy định, trước khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

– Trước khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài dẫn đến dự án đầu tư thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

– Cơ quan, người có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài thì có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài. Đối với việc điều chỉnh nội dung quyết định đầu tư ra nước ngoài thì cơ quan, người có thẩm quyền quyết định đầu tư ra nước ngoài thì có thẩm quyền quyết định.

– Đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của cấp cao hơn thì cấp đó sẽ có thẩm quyền trong việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

Khi nào thì chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài?

Các trường hợp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chấm dứt hiệu lực được quy định cụ thể tại Điều 64, Luật Đầu tư 2020 như sau:

– Các trường hợp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chấm dứt hiệu lực:

  • Quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư của nhà đầu tư;
  • Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư quy định;
  • Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động mà trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp quy định;
  • Nhà đầu tư chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài;
  • Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, quá thời hạn 24 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư và không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước;
  • Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị phá sản hoặc giải thể theo pháp luật nước tiếp nhận đầu tư quy định;
  • Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động tại nước ngoài của dự án đầu tư theo pháp luật nước tiếp nhận đầu tư quy định và thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Xem thêm: Gia hạn chứng nhận đầu tư như nào? 

Quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài

Nhà đầu tư cần thực hiện theo quy trình các bước đối với việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài như sau:

– Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu;

– Bước 2: Nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

– Bước 3: Đăng ký

  • Nhà đầu tư cần đăng ký thông tin đầu tư về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trên Hệ thống thông tin quốc gia sau khi nộp hồ sơ.

Lưu ý: Hồ sơ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận khi có đầy đủ đầu mục tài liệu theo quy định và đã được đăng ký về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trên Hệ thống thông tin quốc gia.

– Bước 4: Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ cấp phép:

  • Kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, trong thời hạn 03 ngày làm việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.
  • Kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, trong thời hạn 15 ngày cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý.
  • Đối với dự án cần Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư.
  • Đối với dự án cần Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư: Trong thời hạn 5 ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước. Sau đó, Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trong vòng 90 ngày và trước khai mạc kỳ họp Quốc hội 60 ngày Chính phủ gửi Hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội.

– Bước 5: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài hoặc từ chối. Trong trường hợp từ chối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải thông báo cho nhà đầu tư văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

Theo đó, sau khi cấp giấy phép đầu tư cho nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ quản lý ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mà nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

Lưu ý khi xin cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài

Đối với những dự án đầu tư cần chấp thuận chủ trương đầu tư

Theo đó, những quy định về điều kiện, hồ sơ và thủ tục đã nêu ở các mục trên là quy định đối với những dự án đầu tư thông thường. Còn riêng đối với các dự án đầu tư cần chấp thuận chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư cần được chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi xin cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài. Thẩm quyền và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với doanh nghiệp có nhu cầu muốn xin cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài trong các trường hợp đặc biệt cụ thể dưới đây:

– Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư:

  • Quốc Hội chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư ra nước ngoài có quy mô vốn từ 20.000 tỷ đồng trở lên; Dự án có yêu cầu áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù thì cần được Quốc hội thông qua.
  • Thủ tướng Chính phủ quyết định – Ngoại trừ các dự án thuộc thẩm quyền của Quốc Hội như trên, theo đó đối với các dự án đầu tư dưới đây sẽ do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài: 
  • Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, phát thanh, báo chí, truyền hình, viễn thông có quy mô vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;  
  • Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

Trên đây là thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, theo đó trước khi xin cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài mà các nhà đầu tư cần chú ý.

Chú ý ngành nghề cấm đầu tư và ngành nghề đầu tư

Khi xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần chú ý các ngành nghề cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện theo quy định mới nhất của Luật Đầu tư 2020, bao gồm các ngành nghề cụ thể như sau:

– Cấm kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục I của luật này;

– Cấm kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật theo quy định tại Phụ lục II của luật này;

– Cấm kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên theo Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp quy định;

– Cấm kinh doanh mẫu vật các loài động vật rừng, thực vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục III của Luật này;

– Cấm đầu tư kinh doanh mại dâm;

– Cấm đầu tư Mua, bán người, bộ phận cơ thể, mô, xác, bào thai người;

– Cấm các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

– Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê và pháo nổ;

Các ngành nghề đầu tư có điều kiện: Bảo hiểm; Ngân hàng; Chứng khoán; Phát thanh, báo chí, truyền hình; Bất động sản.

Những việc nhà đầu tư cần phải làm sau khi được cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài

Mở tài khoản

Mở tài khoản

Nhà đầu tư cần tiến hành triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài sau khi được cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là mở tài khoản:

  • Nhà đầu tư mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam.
  • Mọi giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam và giao dịch từ Việt Nam ra nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư theo pháp luật về ngoại hối quy định.

Chuyển vốn

Sau khi được cấp giấy phép đầu tư nước ngoài hoạt động chuyển vốn là hoạt được thực hiện. Theo đó, cần đáp ứng các điều kiện như sau:

– Đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài.

– Hoạt động đầu tư của nhà đầu tư đã được chấp thuận hoặc được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận.

Lưu ý: Đối với trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc chấp thuận đầu tư hoặc cấp phép đầu tư thì nhà đầu tư cần phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.

– Nhà đầu tư có tài khoản chuyển vốn.

Kết luận

Trên đây là những nội dung quy định của pháp luật về việc cấp giấy phép chứng nhận đầu tư ra nước ngoài do biên tập viên trên trang daututietkiem.vn tổng hợp và biên soạn. Qua đó có thể thấy, các nhà đầu tư cần phải tuân thủ những quy định liên quan khi thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Hy vọng, với những thông tin trong bài viết trên đây sẽ giúp bạn đọc quan tâm nắm rõ điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, cũng như trang bị được thêm cho bản thân những kiến thức tài chính hữu ích.

Tôi là Lan Anh - Biên tập viên phân tích tài chính, với 5 năm tìm hiểu về thị trường tài chính cũng như đầu tư. Rất hy vọng những kiến thức mà tôi học hỏi và tích lũy được có thể hỗ trợ, cung cấp đến các bạn những thông tin chính xác, tư vấn hỗ trợ xử lý các dịch vụ tài chính, đầu tư hiệu quả nhất!

dang-ky-dau-tu-nhat-nam

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY

[contact-form-7 id="567" title="Form đăng ký Nhật Nam"]

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC