Vỡ nợ là gì? Vỡ nợ sẽ gây nên những hậu quả như thế nào?

0
Tài chính

Trong hoạt động vay vốn hay chứng khoán, khái niệm vỡ nợ được sử dụng rất phổ biến. Vỡ nợ xảy ra khi người vay không trả được nợ hoặc không thể thanh toán kịp thời, bỏ lỡ thời gian thanh toán hoặc tránh hoặc ngừng thanh toán một khoản vay hay chứng khoán bao gồm cả lãi hoặc gốc, Theo đó, vỡ nợ có thể tác động tiêu cực đến một cá nhân, một doanh nghiệp hay cả một quốc gia. Để hiểu thêm về vỡ nợ là gì, các trường hợp vỡ nợ cũng như vỡ nợ sẽ gây nên hậu quả như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây.

Vỡ nợ là gì?

Vỡ nợ là gì?

Vỡ nợ là gì?

Vỡ nợ (Default) là việc một cá nhân hay doanh nghiệp, thậm chí các quốc gia không có khả năng thanh toán các khoản nợ hoặc không thể tiếp tục nghĩa vụ nợ của mình khi đáo hạn.

Có thể hiểu một cách đơn giản, vỡ nợ chính là việc không trả được nợ của một khoản vay hay chứng khoán, bao gồm cả lãi hoặc gốc.

Như vậy, vỡ nợ sẽ xảy ra khi người vay không thể thực hiện thanh toán kịp thời, bỏ lỡ thời gian thanh toán hoặc tránh hoặc ngừng thanh toán. Rủi ro vỡ nợ thường được tính toán trước bởi các chủ nợ.

Vỡ nợ có đặc điểm gì?

Các đặc điểm nổi bật của vỡ nợ:

– Đối với tất cả các khoản nợ có đảm bảo và không có đảm bảo đều có thể xảy ra vỡ nợ. Theo đó, khoản vay có thể bị vỡ nợ nếu người đi vay không thanh toán kịp thời:

  • Vỡ nợ có thể xảy ra với các khoản vay thế chấp tài sản như vay mua nhà, vay kinh doanh, vay mua xe,… hoặc khoản vay kinh doanh được bảo đảm bằng tài sản của công ty nếu người vay cá nhân đó không thanh toán thế chấp kịp thời.
  • Bên cạnh đó, khi bạn vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo thì cũng có thể xảy ra vỡ nợ.

– Trong chứng khoán, vỡ nợ cũng có thể xảy ra. Theo đó, một công ty sẽ được xem là vỡ nợ nếu công ty đó thông qua phương thức phát hành trái phiếu để vay mượn và huy động vốn từ các nhà đầu tư nhưng không thể thực hiện thanh toán trả nợ cho các trái chủ.

– Vỡ nợ ảnh hưởng và tác động xấu đến tín dụng cũng như khả năng vay vốn của người đi vay trong tương lai cũng bị ảnh hưởng đến.

Các trường hợp vỡ nợ

Trong hoạt động vay vốn, nếu người đi vay không còn khả năng thanh toán thì vỡ nợ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo đó, vỡ nợ thường xảy ra trong các trường hợp như sau:

Vỡ nợ trên khoản nợ có bảo đảm

Vỡ nợ có thể xảy ra đối với các khoản vay có đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Theo đó, người cho vay hoặc nhà đầu tư sẽ truy đòi lại các khoản tiền của họ khi một cá nhân, doanh nghiệp hoặc một quốc gia vỡ nợ. 

Trong một khoản vay có bảo đảm, người cho vay có yêu cầu pháp lý đối với tài sản thế chấp của người đi vay để đáp ứng khoản vay như phát mại tài sản thế chấp.

Vỡ nợ trên khoản nợ không có bảo đảm

Vỡ nợ cũng có thể xảy ra đối với các khoản nợ không có đảm bảo như vay tín chấp, nợ thẻ tín dụng,… Theo đó, khi xảy ra vỡ nợ trong trường hợp này, người cho vay vẫn có quyền truy đòi pháp lý đối với việc vỡ nợ mặc dù các khoản vay không có tài sản đảm bảo. 

Thông thường phán quyết này sẽ thuộc về tòa án, nếu người vay không thực hiện nghĩa vụ nợ theo hợp đồng thì sẽ cho phép các chủ nợ có quyền chiếm hữu tài sản họ.

Vỡ nợ trên khoản vay sinh viên

Thông thường cho vay sinh viên là khoản nợ không có đảm bảo, do đó hậu quả mà vỡ nợ trên khoản vay cho sinh viên mang lại cũng tương tự như việc vay tín chấp mà bị vỡ nợ, mất khả năng thanh toán (không trả nợ tín dụng).

Vỡ nợ trên hợp đồng tương lai

Theo đó, khi một bên không thực hiện các nghĩa vụ được quy định trong thỏa thuận thì vỡ nợ trên hợp đồng tương lai sẽ xảy ra.

Vỡ nợ ở đây liên quan đến việc không thực hiện giải quyết hợp đồng trước ngày yêu cầu. Một bên của hợp đồng đồng ý mua với giá cụ thể tại một ngày nhất định trong khi bên kia đồng ý bán tại các mốc thời gian quan trọng trong hợp đồng.

Vỡ nợ quốc gia

Khi một quốc gia không thể trả nợ thì vỡ nợ quốc gia sẽ xảy ra như trái phiếu chính phủ được chính phủ phát hành để nhằm mục đích huy động tiền đầu tư cho các dự án hoặc hoạt động hàng ngày.

Thông thường, thị trường tài chính của một quốc gia có thể bị tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng nếu quốc gia đó vỡ nợ. Nền kinh tế lúc này có thể đi vào suy thoái, đồng tiền mất giá và dẫn đến lạm phát xảy ra.

Vỡ nợ có thể xảy ra ở nhiều trường hợp khác nhau

Vỡ nợ có thể xảy ra ở nhiều trường hợp khác nhau

Vỡ nợ sẽ gây nên những hậu quả như thế nào?

Vỡ nợ sẽ đưa đến những hậu quả tiêu cực đối với người vay là cá nhân, doanh nghiệp hoặc cả quốc gia như sau:

Đối với cá nhân người vay

Hậu quả của vỡ nợ khi người vay không có khả năng trả nợ và bị vỡ nợ bao gồm:

  • Vỡ nợ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận xét về báo cáo tín dụng của người vay, đồng thời điểm tín dụng sẽ bị hạ thấp xuống.
  • Lịch sử tín dụng của người vay bị ảnh hưởng, từ đó làm giảm cơ hội nhận được các khoản tín dụng trong tương lai.
  • Lãi suất cho vay mà người vay phải trả có thể sẽ cao hơn đối với khoản nợ hiện tại và các khoản nợ bất kỳ mới phát sinh (nếu được vay).
  • Có thể bị khấu trừ tiền lương và nếu người vay truy cứu thì có khả năng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Vỡ nợ doanh nghiệp

Khi tình hình kinh doanh của một công ty không khả quan thì vỡ nợ doanh nghiệp sẽ xảy ra. Theo đó, công ty không thể tạo ra dòng tiền trong thời gian dài để thanh toán cho nhà đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp các khoản nợ và lãi. Điều này sẽ gây ra một số hậu quả nghiêm trọng như:

  • Một ngành hoặc toàn bộ nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
  • Tín dụng và tính thanh khoản của thị trường tài chính quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực.

Đối với một quốc gia

Danh tiếng của một quốc gia sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực khi tuyên bố vỡ nợ. Lãi suất mà một quốc gia bị vỡ nợ phải trả sẽ cao hơn nhiều khi đối với các khoản vay trong tương lai. Do đó, có rất nhiều quốc gia thay vì thẳng thừng từ chối chi trả thì họ lựa chọn cách cứu vãn danh tiếng của mình bằng việc tái cấu trúc các khoản nợ. Theo đó, việc tái cấu trúc các khoản nợ vay có thể được thực hiện như giảm tiền lãi, tiền nợ gốc hoặc gia hạn thời gian trả nợ.

Rõ ràng, bên phải chịu thiệt hại trong trường hợp này chính là các chủ nợ, tuy nhiên hậu quả mà bản thân một quốc gia bị vỡ nợ phải chịu cũng rất lớn:

  • Đồng nội tệ mất giá: Người dân và các nhà đầu tư thường có xu hướng đổ xô đi rút tiền ở ngân hàng sau đó mang ra nước ngoài để gửi khi một quốc gia mất khả năng thanh toán. Điều này gây ra một số bất ổn trong thị trường tài chính cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của quốc gia đó.
  • Khó tiếp cận với nguồn vốn quốc tế: Các quốc gia hay tổ chức quốc tế lo ngại việc khó thu hồi vốn đã cho vay và lãi suất tín dụng do đó sẽ dè chừng hơn khi cho các quốc gia từng vỡ nợ vay tiền. Trong trường hợp được cho vay thì lãi suất mà quốc gia từng vỡ nợ thường phải chấp nhận trả cũng sẽ cao hơn. 
  • Hạn chế nguồn đầu tư: Nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ cẩn trọng hơn khi đổ vào một quốc gia từng vỡ nợ dù quốc gia đó có nhiều nguồn lực cũng như tiềm năng để phát triển. Bởi nhà đầu tư lo ngại nếu quốc gia tiếp tục vỡ nợ thì việc đầu tư sẽ không đem lại kết quả, thậm chí còn không có khả năng thu hồi nguồn vốn họ đã rót vào. 

Danh tiếng của một quốc gia sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực khi tuyên bố vỡ nợ

Danh tiếng của một quốc gia sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực khi tuyên bố vỡ nợ

Một số quốc gia từng vỡ nợ

Sri Lanka, quốc đảo 22 triệu dân năm 2022

Hôm 12/4/2022 mới đây, sau khi đã cạn kiệt dự trữ ngoại hối để nhập khẩu nhu yếu phẩm trong bối cảnh giá cả tăng cao, Sri Lanka đã tuyên bố vỡ nợ với 51 tỷ USD nợ nước ngoài. 

Kể từ khi giành độc lập năm 1948, thì đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất mà Quốc đảo ở Ấn Độ Dương này đang đối mặt. Cuộc sống của người dân bị đẩy tới bờ vực của khủng hoảng bởi lạm phát 2 con số và tình trạng khan hiếm mọi thứ. Siêu thị trống trơn, nhiên liệu thiết yếu cũng chẳng có mà dùng khi nguồn ngoại tệ dành cho nhập khẩu đang ngày càng cạn kiệt.

Việc này đã dấy lên sự bất mãn của người dân, khiến người dân đổ ra đường biểu tình. Hàng loạt quan chức chính phủ Sri Lanka cũng liên tục từ chức.

Bộ Tài chính Sri Lanka nói rằng nước này cần tái cơ cấu toàn diện các khoản nợ ngoại tệ chưa thanh toán của mình và tiếp cận Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để xin hỗ trợ tài chính khẩn cấp. Nước này đổ lỗi cho đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine đã làm tổn hại tới du lịch và đẩy giá hàng hóa lên cao đã khiến họ mất khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại có một cái nhìn khác. Theo Murtaza Jafferjee – Chủ tịch Viện nghiên cứu Advocata (Sri Lanka) nhận định: Cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka đã hình thành nhiều năm qua, chủ yếu do quản lý kinh tế yếu kém và một phần nhỏ do kém may mắn. Chính phủ Sri Lanka đã vay rất nhiều từ chủ nợ nước ngoài trong suốt thập kỷ qua để cung cấp dịch vụ công trong nước, như cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, chính phủ lại giảm thuế ngay cả khi ngân sách vô cùng eo hẹp,…

Theo các số liệu thống kê, lạm phát ở Sri Lanka đã lên tới gần 20% và kéo dài trong nhiều tháng. Tính đến tháng 4/2021, trong 35 tỷ USD nợ nước ngoài của Sri Lanka, Trung Quốc chiếm khoảng 10%, tuy nhiên con số này có thể còn cao hơn nhiều nếu tính cả nợ của công ty quốc doanh và ngân hàng trung ương.

Làn sóng vay nợ này lại diễn ra cùng lúc với việc nền kinh tế Sri Lanka gánh chịu hàng loạt cú sốc, từ thảm họa thiên nhiên, Covid-19, xung đột Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, những sai lầm về mặt chính sách của Chính phủ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với nền kinh tế Sri Lanka.

Cụ thể, Chính phủ Sri Lanka bất ngờ ban hành lệnh cấm toàn bộ phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hồi tháng 5/2021.

Tuy nhiên, đến 6 tháng sau, Sri Lanka từ một nước tự cung tự cấp gạo biến thành nước nhập khẩu hơn 600 triệu USD gạo nước ngoài. Cùng với đó, sản lượng nhiều nông sản khác cũng giảm sút, điều này đã châm ngòi cho lạm phát xảy ra và giáng đòn vào xuất khẩu chè, cao su của Sri Lanka.

Chính phủ nước này thu hồi lệnh cấm sau 7 tháng khi ban hành quyết định trên, tuy nhiên cũng cần nhiều thời gian để sửa chữa hậu quả. Trong khi đó, những thiệt hại mà lệnh cấm này gây ra là vô cùng to lớn, tác động tới cả xuất khẩu (chè) và nhập khẩu (lương thực) của Sri Lanka, quốc gia vốn đã cạn kiệt ngoại tệ.

Đối với một nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Sri Lanka cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lại giảm thuế để kích thích kinh tế khi ngân sách đang thâm hụt nặng nề, việc này khiến nguồn thu của chính phủ càng co hẹp. Nhiều hãng đáng giá tín nhiệm đã hạ xếp hạng của Sri Lanka xuống gần mức vỡ nợ, khiến nước này không thể tiếp cận thị trường nước ngoài.

Từ đó, Sri Lanka phải dựa vào dự trữ ngoại hối để trả nợ công. Theo đó, khối dự trữ cũng co lại nhanh chóng, từ 6,9 tỷ USD năm 2018 xuống 2,2 tỷ USD năm 2022. Trong khi đó, Sri Lanka còn phải trả 4 tỷ USD nợ và có 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế đáo hạn tháng 7 năm 2022 này.

Việc này đã khiến cho hoạt động nhập khẩu xăng dầu và các nhu yếu phẩm khác bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến giá cả tăng vọt. Tháng 3/2022, chính phủ Sri Lanka lại thả nổi đồng rupee với mục tiêu của họ là hạ giá nội tệ để đủ tiêu chuẩn vay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời khuyến khích kiều hối, điều này đồng nghĩa giá rupee sẽ được quyết định dựa trên cung cầu ngoại hối.

Tuy nhiên, việc này chỉ khiến người dân Sri Lanka càng thêm chật vật khi đồng rupee lao dốc so với USD. Rất nhiều mặt hàng đã bị hạn chế số lượng. Cuộc sống của người dân nước này biến thành chuỗi ngày xếp hàng không hồi kết để chờ mua nhu yếu phẩm. 

Có nhiều cửa hàng vì không thể chạy tủ lạnh, điều hòa hay quạt điện nên đã buộc phải đóng cửa. Quân đội cũng được cử đến các trạm xăng để trấn an khách hàng – những người phải chờ hàng giờ trong cái nóng để đổ nhiên liệu.

Người Sri Lanka xếp hàng chờ mua nhiên liệu

Người Sri Lanka xếp hàng chờ mua nhiên liệu

Bên cạnh đó, Sri Lanka còn có những khoản nợ khổng lồ đối với Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong năm 2021, quốc gia này nợ Bắc Kinh hơn 5 tỷ USD và vào năm 2022 để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của mình Sri Lanka đã vay thêm 1 tỷ USD. Ngoài ra Sri Lanka cũng nợ tiền của tư nhân.

Theo đó, nợ nước ngoài chưa thanh toán của Sri Lanka tính tới hết tháng 2/2022 là 36 tỷ USD. Trong số đó, phần lớn là các trái phiếu chính phủ ở thị trường quốc tế (12,5 tỷ USD) với các chủ nợ là Ngân hàng Phát triển châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản. Chỉ riêng trong năm 2022 này, Sri Lanka có 7,5 tỷ USD nợ phải thanh toán.

Anushka Wijesinha, nhà kinh tế học tại Trung tâm Tương lai Thông minh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thủ đô Colombo, cho biết: “Việc tuyên bố vỡ nợ chỉ là sự công nhận cuối cùng, cho thấy Sri Lanka đã ở sát mép vực thế nào”.

Theo đó, Sri Lanka vẫn đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ IMF và các nước lớn khác. Trong một bài phát biểu tháng trước, Tổng thống Rajapaksa cho biết ông đã cân nhắc lợi hại khi làm việc với IMF và đã quyết định theo đuổi gói cứu trợ của tổ chức này. Theo Bộ Tài chính Sri Lanka giải thích, tuyên bố vỡ nợ là để đảm bảo “đối xử công bằng và bình đẳng đối với tất cả các chủ nợ” trước khi IMF hỗ trợ cho nước này.

Bên cạnh đó, Sri Lanka cũng tìm sự trợ giúp từ Trung Quốc và Ấn Độ. New Delhi đã đồng ý cấp gói tín dụng 1 tỷ USD tháng trước. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các nhà phân tích, sự hỗ trợ này không thể giải quyết được cuộc khoảng này mà sẽ chỉ khiến cuộc khủng hoảng càng kéo dài.

Theo nhận định của các nhà kinh tế học Ankur Shukla và Abhishek Gupta: “Để thoát khỏi khủng hoảng, ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng thành lập một chính phủ hiệu quả. Đạt thỏa thuận với IMF sẽ là bước kế toán”.

Còn theo IMF cho biết họ đã nhận được yêu cầu hỗ trợ từ các nhà chức trách Sri Lanka và sẽ thảo luận với các nhà hoạch định chính sách cấp cao để có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Lebanon, Argentina, Belize, Zambia, Suriname năm 2020

Lebanon – quốc gia từng được gọi là “Thụy Sĩ của Trung Đông” – lần đầu tiên vỡ nợ trong lịch sử vào tháng 3/2020. Tại thời điểm đó, nước này chìm trong khủng hoảng kinh tế và biểu tình phản đối chính phủ. Từ lâu khối nợ của Lebanon đã thuộc nhóm lớn nhất thế giới, tương đương 170% GDP.

Theo Liên hợp Quốc cho biết đồng pound Lebanon đã mất 90% giá trị và 4 trên 5 người dân nước này hiện sống dưới mức nghèo khổ. Tại quốc gia này, lạm phát đã lên 3 chữ số, theo đó khủng hoảng tại đây thêm tồi tệ hơn bởi Covid-19, xung đột Nga – Ukraine và vụ nổ tại cảng ở Beirut năm 2020.

Cuộc biểu tình dữ dội ở Lebanon khiến hàng trăm người bị thương

Cuộc biểu tình dữ dội ở Lebanon khiến hàng trăm người bị thương

Đến tháng 5/2020, khi Covid-19 làm trầm trọng thêm vấn đề suy giảm kinh tế, lạm phát tăng tốc và thiếu ngoại tệ mạnh đã khiến cho Argentina vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử.

Nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh không thể trả cho các khoản nợ nước ngoài khoản tiền lãi là 500 triệu USD. Chính phủ Argentina đã không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc 65 tỷ USD nợ nước ngoài với các chủ nợ trái phiếu. Trong khoản này còn gồm cả số trái phiếu phát hành trong các đợt tái cấu trúc sau khi nước này vỡ nợ năm 2001. Có hàng loạt công ty đầu tư nắm giữ khối nợ của Argentina, trong đó có những cái tên như BlackRock và Pharo Management.

Theo ghi nhận, từ trước đó Argentina cũng đã gặp khó khăn. Họ liên tục hứng chịu khủng hoảng kinh tế và chính trị, khiến tiền tệ mất giá, người dân đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng và thị trường tài chính lao đao. Trong khi đó, chính phủ thường in tiền hoặc vay đôla để giải quyết các vấn đề này chứ không sẵn sàng giảm chi tiêu công.

Trước đó, họ vỡ nợ tới 100 tỷ USD vào năm 2001 – đây chính là lần vỡ nợ lớn nhất lịch sử thời đó. Sau đó, mãi đến năm 2016, họ mới quay lại thị trường tín dụng quốc tế.

Đại dịch Covid trong năm 2020 cũng gây ra những tác động tiêu cực khiến cho hoạt động kinh tế bị gián đoạn, các Belize (quốc gia ở Trung Mỹ), Zambia (Đông Phi) và Suriname (Nam Mỹ) cũng rơi vào vỡ nợ trong năm này.

Venezuela: năm 2017 và 2018

Vào tháng 11/2017, Venezuela – quốc gia có lượng dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới –đã bị hai hãng đánh giá tín nhiệm là Fitch và S&P Global Ratings tuyên bố vỡ nợ một phần, do chịu tác động từ giá dầu lao dốc và các lệnh trừng phạt của Mỹ và không có nguồn thu đáng kể nào ngoài xuất khẩu dầu mỏ đã khiến cho nền kinh tế này rơi tự do, thiếu thốn cả lương thực và thuốc men. Từ nhiều năm nay,

chính phủ nước này đã không thể cung cấp đủ cho người dân về lương thực và thuốc men. Hậu quả là người dân Venezuela phải xếp hàng để chờ mua thực phẩm trong nhiều giờ đồng hồ và nằm trong các bệnh viện mà không có thuốc men hay thiết bị.

Người dân xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm ở một siêu thị tại Venezuela

Người dân xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm ở một siêu thị tại Venezuela

Venezuela và hãng dầu mỏ quốc doanh – PDVSA nợ các trái chủ hơn 60 tỷ USD. Theo nghiên cứu của Harvard Law Roundtable, tổng cộng số nợ của nước này là khoảng 196 tỷ USD. Bên cạnh các khoản nợ trái phiếu thì Venezuela còn nợ tiền Trung Quốc, Nga, các hãng cung cấp dịch vụ dầu mỏ cũng như các hãng hàng không Mỹ và nhiều tổ chức khác.

Đến tháng 1/2018, Venezuela đã một lần nữa vỡ nợ dù Moskva đồng ý hỗ trợ 3,15 tỷ USD giúp nước này tái cấu trúc nợ.

Hy Lạp: 2015

Vào tháng 6/2015, Hy Lạp trở thành quốc gia phát triển đầu tiên vỡ nợ với khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi không thể hoàn trả 1,5 tỷ euro. 2 tuần sau đó, họ lỡ hẹn thêm một khoản thanh toán trị giá 456 triệu euro nữa cho IMF. Tuy nhiên, một khoản vay khẩn cấp ngắn hạn từ quỹ khủng hoảng của Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép họ trả các khoản nợ này.

Theo đó, có thể coi nguyên nhân trực tiếp đẩy Hy Lạp vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài là Olympic Athens 2004. Vào giữa năm 2004, Hy Lạp chi tới 9 tỷ euro để tổ chức Olympic, biến Thế vận hội mùa hè 2004 đã trở thành kỳ Olympic “đắt đỏ nhất” tại thời điểm đó. Tuy nhiên, hầu như sau đó những công trình được xây dựng cho vận động viên, người hâm mộ và giới truyền thông lại không được sử dụng và ngày càng xuống cấp, điều này đã khiến cho Hy Lạp ngập chìm trong những khoản nợ khổng lồ. Lạm chi cho Olympic đã làm tăng nợ công và thâm hụt ngân sách của nước này.

Tháng 5/2010, Hy Lạp đã nhận được gói cứu trợ đầu tiên từ bộ ba Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) với trị giá 110 euro, do 3 tổ chức này lo ngại nền kinh tế mong manh của nước này có thể đẩy cả khu vực vào vùng nguy hiểm.

Đến đầu tháng 3/2012, các chủ nợ tư nhân đã đồng ý hoán đổi cho Hy Lạp 85% nợ, theo đó đã giúp cắt giảm khỏi nghĩa vụ nợ của quốc gia này khoảng 100 tỷ euro. Ngay lập tức, Fitch và Moody’s đồng loạt hạ xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống vỡ nợ vào ngày 9/3. Trước đó, vào ngày 28/2, Standard & Poor’s cũng xem Athens là đã vỡ nợ một phần.

Tháng 8/2015, 4 tổ chức đại diện cho nhóm chủ nợ của Hy Lạp đã chấp thuận cấp tới 86 tỷ euro cho nước này là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM). Đây chính là gói cứu trợ thứ 3 Hy Lạp phải nhận chỉ trong vòng 5 năm.

Gói này với trị giá tổng cộng 289 tỷ euro và nằm trong chương trình cứu trợ lớn nhất lịch sử tài chính toàn cầu. Đổi lại, các nhà hoạch định chính sách Hy Lạp phải chấp thuận cải tổ và thắt lưng buộc bụng hà khắc. 

Tháng 8/2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát đi thông báo xác nhận Hy Lạp không trả nợ đúng hạn. Đồng nghĩa Athens chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, IMF đưa ra kết luận như vậy với một nền kinh tế phát triển như Hy Lạp.

Với tuyên bố này, cho tới khi Hy Lạp thanh toán xong nghĩa vụ nợ cũ thì trước đó mặc nhiên không được quyền tiếp cận bất cứ khoản vay nào của quỹ này. 

Ecuador: năm 2008 và 2020

Vào tháng 12/2008, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã thông báo sẽ ngừng thanh toán gần 40% nợ công lần thứ 3 trong vòng 14 năm. Đến năm 2020, Quốc gia Mỹ Latin này cũng bị đại dịch đẩy vào tình trạng vỡ nợ lần nữa, nhưng sau đó với sự hỗ trợ của IMF, quốc gia này cũng đã tái cấu trúc lại.

Nga: năm 1918 và 1998

Năm 1918, Nga vỡ nợ với khối nợ bằng ngoại tệ khi nhà lãnh đạo Vladimir Lenin từ chối thanh toán nợ trái phiếu được phát hành bởi Sa hoàng.

Đến tháng 8/1998, Nga tuyên bố hoãn thanh toán trong 90 ngày với nợ nước ngoài, hạ giá đồng ruble và vỡ nợ với khối nợ trong nước. Khi đó, nợ nước ngoài của Nga là 141 tỷ USD, theo ước tính của Fitch nợ trong nước của họ tương đương 50,6 tỷ USD.

Theo đó, do khủng hoảng tài chính châu Á đã tác động lan truyền đến Quốc gia này. Khi giá dầu lao dốc, đồng ruble cũng bị ảnh hưởng bởi đầu cơ. Trong khi đó, mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga chính là dầu. Để có thể quay lại vay tiền trên thị trường quốc tế, Nga đã phải mất hơn 10 năm.

Mexico: năm 1982

Tháng 8/1982, Mexico cho biết không thể thanh toán khoản nợ 86 tỷ USD. Sau đó, quốc gia này đã được Mỹ hỗ trợ bằng các khoản vay khẩn cấp. IMF cũng vào cuộc, với yêu cầu Mexico cải tổ cấu trúc kinh tế. Theo đó, các chủ nợ là ngân hàng thương mại sau đó phải xóa cho nước này lượng lớn nợ.

Đến năm 1995, IMF lại phải giải cứu Mexico lần nữa với khoản vay 17,8 tỷ USD. Đây chỉ là một phần trong gói cứu trợ quốc tế 50 tỷ USD cho nước này.

Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến vỡ nợ

Vay tài sản là gì?

Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định:Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, tại Điều 105 Bộ luật này cũng quy định: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, bao gồm bất động sản và động sản. Theo đó, bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy vay tiền chính là vay tài sản.

Nói cách khác, việc vay tiền là quan hệ dân sự và được các quy định của luật dân sự điều chỉnh. Theo đó, các bên có thể gửi đơn tới Tòa án nơi cư trú trong trường hợp có tranh chấp về hợp đồng vay tiền để được xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Vay tiền chính là vay tài sản

Vay tiền chính là vay tài sản

Vỡ nợ công là gì?

Nợ công là nợ mà chính quyền nhà nước từ cấp trung ương đến cấp địa phương đi vay, bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Có thể hiểu, đây chính là khoản nợ gắn với trách nhiệm trả nợ của Nhà nước: Bởi vì người vay là cơ quan nhà nước, do đó cơ quan nhà nước sẽ phải có trách nhiệm thanh toán khoản vay này.

Theo đó, các khoản nợ này có thể là nợ từ các nhà đầu tư trong nước nhưng cũng có thể là các khoản vay mượn từ nước ngoài qua nhiều hình thức như: khổ phiếu, trái phiếu,…

Như vậy có thể hiểu một cách đơn giản, vỡ nợ công chính là vỡ nợ quốc gia, theo đó khi một quốc gia mất khả năng chi trả và thanh toán các khoản nợ mà họ đang vay đồng nghĩa với việc quốc gia đó vỡ nợ.

Vỡ nợ quốc gia là gì?

Vỡ nợ quốc gia hay còn gọi là sự vỡ nợ quốc gia (trong tiếng Anh là Sovereign Default hoặc National Default) là việc một chính phủ thất bại trong việc thanh toán các khoản nợ quốc gia của mình. 

Theo đó, do vỡ nợ khiến việc vay vốn của quốc gia đó trong tương lai trở nên khó khăn và tốn kém hơn nên các quốc gia thường muốn tránh sự vỡ nợ. Tuy nhiên, các quốc gia tuyên bố vỡ nợ không bị ràng buộc bởi luật phá sản thông thường và đối với các khoản nợ này họ có khả năng trốn tránh trách nhiệm mà không có bất kỳ hậu quả pháp lý nào.

Vỡ nợ quốc gia là tương đối hiếm. Thông thường, ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng kinh tế chính là nguyên nhân khiến cho một quốc gia xảy ra vỡ nợ. 

Vỡ nợ trái phiếu là gì?

Căn cứ vào khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 trái phiếu được định nghĩa như sau: “Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.”

Có thể hiểu một cách đơn giản, trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ phải trả cho người sở hữu trái phiếu của người phát hành đối với một khoản tiền cụ thể với một lợi tức quy định và trong một thời gian xác định. 

Doanh nghiệp (trái phiếu doanh nghiệp), một tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trái phiếu kho bạc), chính quyền (công trái hoặc trái phiếu chính phủ) đều có thể là người phát hành trái phiếu.

Theo đó, khi người phát hành trái phiếu không còn khả năng chi trả khoản vay theo cam kết nợ đã được xác định trong hợp đồng vay với trái chủ (người mua trái phiếu) thì vỡ nợ trái phiếu sẽ xảy ra.

Xác suất vỡ nợ PD là gì?

Xác suất vỡ nợ trong tiếng Anh là Default Probability hay Probability Of Default, viết tắt là PD

Xác suất vỡ nợ có thể hiểu là khả năng người đi vay sẽ không thể thực hiện thanh toán theo lịch trả nợ trong một khoảng thời gian, thông thường là một năm.

Xác suất vỡ nợ PD không chỉ phụ thuộc vào tính chất của người đi vay mm còn phụ thuộc vào môi trường kinh tế và điểm FICO trong xác suất vỡ nợ được hiểu là khái niệm chỉ xác suất vỡ nợ đối với người tiêu dùng.

Đối với một khoản vay thế chấp, bên nhận thế chấp sẽ dựa trên điểm tín dụng và nguồn lực tài chính của họ để đánh giá rủi ro vỡ nợ của người đi vay. Đây gọi là xác suất vỡ nợ của người thế chấp, theo đó nếu giá trị khoản thế chấp càng cao thì lãi suất cho bên thế chấp sẽ càng lớn.   

Trong thị trường trái phiếu, xác suất vỡ nợ của trái phiếu lợi tức cao là lớn nhất do đó phải có lãi suất cao để bù đắp cho phần bù rủi ro bổ sung. Trong khi đó, trái phiếu có rủi ro rất thấp do chính phủ thường trả lãi suất thấp nhất.  

Còn xác suất vỡ nợ của các doanh nghiệp thường được thể hiện qua xếp hạng tín dụng của họ. 

Xác suất vỡ nợ là khả năng người đi vay sẽ không thể thực hiện thanh toán theo lịch trả nợ trong một khoảng thời gian

Xác suất vỡ nợ là khả năng người đi vay sẽ không thể thực hiện thanh toán theo lịch trả nợ trong một khoảng thời gian

Vỡ nợ không có khả năng chi trả thì bị xử lý thế nào?

Quan hệ vay tài sản là giao dịch tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vậy nên, để hạn chế được các rủi ro đó, pháp luật Việt Nam đã quy định rõ trong Bộ luật dân sự năm 2015, việc vay mượn tiền là quan hệ dân sự và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả tiền như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh,… Theo đó, bên cho vay có quyền xử lý tài sản thế chấp, tài sản cầm cố,… trong trường hợp bên vay tiền mất khả năng trả nợ hoặc có thể yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay.

Trong trường hợp bên vay tiền không có tài sản thế chấp, cầm cố mất khả năng chi trả nợ thì bên cho vay gần như không có cơ hội lấy lại tài sản. Khi đó, bên cho vay phải khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tòa sẽ ra một bản án để phán quyết xem nghĩa vụ trả nợ là bao nhiêu và bao giờ. Hai bên có thể tự nguyện thỏa thuận phương thức trả nợ dựa trên bản án (tự nguyện thi hành). Nếu bên vay tiền không tự nguyện chấp hành bản án thì bên cho vay tiền có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án.

Theo đó, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì việc vay nợ sẽ chuyển thành quan hệ hình sự:

  • Cơ quan công an có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh người vay tiền đưa ra thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản chứ không phải là có ý định vay mượn thật. Theo đó, thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin, tài liệu sai sự sự thật, không có thật làm cho nạn nhân hiểu lầm mà giao tài sản, sau khi nhận được tài sản của nạn nhân thì không có ý định trả lại tài sản (chiếm đoạt); Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 thì trong trường hợp này người chiếm đoạt số tiền đó sẽ bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
  • Dùng thông tin gian dối, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản sau khi đã nhận được tiền vay bằng quan hệ dân sự (vay, mượn, gửi giữ…) hợp pháp hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì sẽ bị xử lý theo tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (căn cứ theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015);
  • Vay mượn tài sản của người khác một cách hợp pháp bằng quan hệ dân sự, sau khi nhận được tiền thì bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản, không có ý định trả lại tài sản thì sẽ bị khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự;
  • Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng quan hệ dân sự hợp pháp và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản. Trường hợp này sẽ bị khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015.

Kết luận

Trên đây là những thông tin cơ bản về vỡ nợ là gì, các trường hợp vỡ nợ phổ biến, hậu quả mà vỡ nợ mang lại cũng như một số quốc gia từng vỡ nợ trên thế giới. Hy vọng qua nội dung bài viết trên đây sẽ giúp bạn đọc quan tâm trang bị thêm được những kiến thức hữu ích từ đó có thể hình dung được những hậu quả mà vỡ nợ gây ra và có cách kiểm soát một cách hiệu quả nhất. 

Tôi là Lan Anh - Biên tập viên phân tích tài chính, với 5 năm tìm hiểu về thị trường tài chính cũng như đầu tư. Rất hy vọng những kiến thức mà tôi học hỏi và tích lũy được có thể hỗ trợ, cung cấp đến các bạn những thông tin chính xác, tư vấn hỗ trợ xử lý các dịch vụ tài chính, đầu tư hiệu quả nhất!

dang-ky-dau-tu-nhat-nam

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY

[contact-form-7 id="567" title="Form đăng ký Nhật Nam"]

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC