Ủy thác đầu tư là một trong những kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn để gửi gắm nguồn vốn của mình với kỳ vọng đạt được sự tăng trưởng về tài sản. Vậy Ủy thác đầu tư là gì? Đây có phải kênh đầu tư an toàn không? Làm thế nào để có thể ủy thác đầu tư hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích về dịch vụ ủy thác đầu tư!
Ủy thác đầu tư là gì?

Ủy thác đầu tư là hình thức đầu tư như thế nào?
Ủy thác đầu tư là một hình thức quỹ đầu tư tìm thấy chủ yếu ở Vương quốc Anh và Nhật Bản. Về cơ bản, các khái niệm về ủy thác đầu tư trong hệ thống pháp luật tại Việt Nam còn khá mới mẻ. Song thực tế, hình thức ủy thác này đã trở nên khá phổ biến trên thị trường.
Hiểu một cách đơn giản, ủy thác đầu tư có nghĩa là một bên giao vốn bằng tiền cho một bên khác để thực hiện việc đầu tư kiếm lợi nhuận. Để chứng minh trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia, giao dịch này được thực hiện thông qua một bản hợp đồng chính thức.
Ủy thác đầu tư là hoạt động của doanh nghiệp. Hình thức này được áp dụng cho hầu hết các ngành nghề. Theo đó, bên ủy thác đầu tư (bên giao vốn) trường hợp này là doanh nghiệp tiến hành ủy thác một số vốn nhất định cho bên nhận ủy thác (bên nhận vốn đầu tư), có thể là các công ty quản lý quỹ ủy thác đầu tư, ngân hàng, công ty tài chính,… để tiến hành các hoạt động đầu tư nhằm sinh ra lợi nhuận.
Ủy thác đầu tư có an toàn không?

Ủy thác đầu tư – Phương pháp đầu tư hiệu quả song cũng tiềm ẩn nhiều nỗi lo
Cũng giống như các hình thức đầu tư khác, ủy thác đầu tư cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Nếu bạn muốn tìm hiểu hình thức đầu tư này, trước hết bạn cần nắm rõ bản chất cũng như ưu, nhược điểm của nó.
Ưu điểm của Ủy thác đầu tư:
- Mang lại nguồn lợi nhuận an toàn, ổn định và tăng trưởng cho doanh nghiệp. Bởi quỹ tiền của bên ủy thác được các chuyên gia quản lý quỹ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm quản lý và vận hành.
- Đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư, từ đó góp phần giảm thiểu rủi ro
- Khả năng sinh lời hấp dẫn, cao hơn so với gửi tiền ngân hàng
- Ủy thác đầu tư giúp tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Ủy thác đầu tư mang lại nhiều lợi ích, sự tiện lợi và hiệu quả cho bên ủy thác khi tiến hành các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Việc thành lập một doanh nghiệp cũng như tổ chức hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu ở một quốc gia mới đều tồn tại những hạn chế và rủi ro nhất định. Những rủi ro này có thể xuất phát từ các yếu tố như: Môi trường đầu tư, thủ tục hành chính, tình hình kinh tế… Và đặc biệt đòi hỏi một sự am hiểu cũng như kinh nghiệm hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Chính vì vậy, việc ủy thác cho các cá nhân, tổ chức trong nước – nơi họ có những nguồn lực cần thiết, có ngôn ngữ và những mối quan hệ kết nối… có ích cho việc đầu tư là điều tất yếu nên làm. Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc lựa chọn bên nhận ủy thác uy tín để hạn chế rủi ro.
Mặt khác, không phải hoạt động kinh doanh nào tại nước sở tại cũng mở cửa cho các nhà đầu tư ngoại quốc (vì chính sách bảo hộ mậu dịch và khuyến khích hoạt động kinh doanh của nước sở tại). Do đó, khi lựa chọn hình thức ủy thác đầu tư có thể vượt qua được các rào cản kỹ thuật, pháp lý mà luật pháp một quốc gia đặt ra.
Rủi ro của Ủy thác đầu tư?
- Nguồn vốn dễ bị thất thoát do không có gì đảm bảo sẽ sinh lời 100%, nhất là khi bên nhận ủy thác còn hạn chế kinh nghiệm về đầu tư, tài chính. Rủi ro từ việc bên ủy thác không trực tiếp kiểm soát được nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp và bên nhận ủy thác. Tất cả các hoạt động kinh doanh bao gồm cả việc mục đích đầu tư hay sử dụng nguồn vốn đầu tư như thế nào… đều dựa trên lòng tin và những cơ chế pháp lý (bao gồm thỏa thuận cổ đông và luật pháp quốc gia). Bởi vậy, bất kỳ việc không tuân thủ bởi bên nào cũng có thể dẫn đến khó khăn cho bên ủy thác trong việc thu hồi khoản vốn đầu tư.
Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên lựa chọn các công ty ủy thác đầu tư uy tín, có kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm về đầu tư. Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, tìm hiểu hiệu quả đầu tư trong nhiều năm của công ty nhận ủy thác để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn.
- Rủi ro từ việc xác định chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp và những tài sản do doanh nghiệp nắm giữ. Theo đó, khi tới những thời điểm đã xác định trong thỏa thuận cổ đông, bên nhận ủy thác phải thực hiện các thủ tục, hợp đồng ủy thác đầu tư để thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu bên nhận ủy thác không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các thủ tục để thay đổi chủ sở hữu của doanh nghiệp thì điều gì sẽ xảy ra? Trong những tình huống như vậy, nếu không giải quyết vấn đề một cách thống nhất, các bên có thể sẽ phải xử lý thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp mà các bên đã lựa chọn.
- Các trách nhiệm về nghĩa vụ tài chính, thuế… của bên nhận ủy thác cũng như của doanh nghiệp do bên nhận ủy thác thành lập. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, bên nhận ủy thác và doanh nghiệp do họ thành lập đều chỉ có thể hoạt động, vận hành một cách trôi chảy khi có nguồn tài chính hợp pháp từ bên ủy thác. Bất kỳ vấn đề gì phát sinh từ việc tài chính cho các hoạt động kinh doanh không như các bên dự kiến đều có thể dẫn tới bên nhận ủy thác và/hoặc doanh nghiệp do họ thành lập phải chịu những trách nhiệm pháp lý khác nhau.
Xem thêm: Hợp đồng ủy thác đầu tư là gì? Quy định về hợp đồng ủy thác đầu tư
Bí quyết để ủy thác đầu tư thành công
Lựa chọn công ty nhận ủy thác đầu tư uy tín
Theo các chuyên gia tài chính đánh giá: Công ty, tổ chức nhận ủy thác đầu tư uy tín phải đáp ứng các điều kiện cơ bản về: Vốn, chuyên môn nghiệp vụ và phải công khai danh mục đầu tư. Mặt khác, tổ chức đó cũng phải có nghĩa vụ cảnh báo cho các nhà đầu tư về các nguy cơ rủi ro có thể gặp phải trong quá trình ủy thác đồng thời phải chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành.
Do đó, trước khi ủy thác bạn cần biết được các công ty ủy thác này họ hoạt động như thế nào? Cách thức kiếm tiền ra sao? Họ sử dụng nguồn vốn huy động để ủy thác vào các kênh đầu tư nào trên thị trường, kênh đầu tư đó có an toàn không?
Bạn cũng nên hiểu, ở đây khái niệm “an toàn” chỉ là có khả năng quay vòng và kiểm soát được mức độ rủi ro nhất định.

Bí quyết để ủy thác đầu tư thành công là gì?
Chỉ ra cụ thể công việc bạn muốn ủy thác
Bạn nên nhớ rằng, sẽ chẳng có kết quả gì nếu bạn thuê một người về nhưng không nói rõ mục đích hay nguyện vọng của bạn cho họ mà chỉ nói chung chung là họ sẽ giúp bạn kiếm tiền chẳng hạn.
Thay vì chờ đợi một ai đó đưa ra những lời khuyên tốt thì việc bạn nên làm là ngồi lại cùng nhau, cùng tập thể để đánh giá tình hình thực tế doanh nghiệp của mình đang ở đâu và mong muốn nó sẽ phát triển thế nào trong tương lai.
Bạn phải xác định rõ ràng mục tiêu và mong muốn thực hiện nó như thế nào, có vậy việc ủy thác mới có thể thành công
Không nên bỏ chung trứng vào 1 giỏ
Thực tế, trong quá trình ủy thác thường sẽ được chia thành nhiều gói khác nhau. Trong thời gian đầu, bên nhận ủy thác sẽ tư vấn cho bạn những gói ủy thác nhỏ, có số vốn khiêm tốn. Sau đó, họ sẽ gợi ý để bạn tăng dần số vốn, lựa chọn những gói lớn hơn. Để đáp ứng kỳ vọng của bạn, thời gian này nhiều quỹ sẽ cố gắng đảm bảo tiền của bạn được sinh lời hiệu quả với mục đích hướng bạn nâng lên các gói lớn hơn. Nhưng bạn nên cẩn trọng, vì đây cũng có thể là một chiêu lừa của những quỹ “ảo” trên thị trường. Sau khi bạn nâng cấp thêm vốn đầu tư thì việc giao dịch của bạn có thể lại rơi vào tình trạng thua lỗ, bấp bênh, không được thuận lợi như lúc đầu.
Lợi nhuận cao là mong muốn của tất cả các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyên bạn nên chia nhỏ số tiền đầu tư, không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ bằng việc đầu tư vào nhiều quỹ của các công ty khác nhau. Nếu trong quá trình đầu tư, bạn thu về được nguồn lợi nhuận ổn định cũng đừng vội vàng nâng cấp gói đầu tư mà nên xem xét, tính toán kỹ lưỡng, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Tính toán kỹ lưỡng lợi nhuận bạn thu về chính xác là bao nhiêu
Để thu hút nguồn vốn đầu tư, trên thị trường hiện nay có rất nhiều quỹ quảng cáo với mức lợi nhuận hấp dẫn lên tới 80% – 90% từ hình thức đầu tư ủy thác. Tuy nhiên, bạn nên tỉnh táo để tính toán lại một cách thực tế nhất: Sau khi loại trừ các loại phí như phí duy trì gói đầu tư, phí phải trả cho bên nhận ủy thác… thì lợi nhuận bạn thu về được bao nhiêu? Bạn có thể yêu cầu nhân viên tư vấn tính toán cho bạn, từ đó cân nhắc số tiền đó so với lợi nhuận từ các hình thức đầu tư khác… Nếu bạn cảm thấy hợp lý và hấp dẫn thì có thể cân nhắc tham gia.
Phí ủy thác đầu tư
Cũng giống như các lĩnh vực đầu tư khác, ủy thác đầu tư sẽ có những khoản phí bắt buộc người tham gia phải trả gọi là phí ủy thác đầu tư. Đó có thể là phí quản lý tài khoản đầu tư, phí môi giới, phí hiệu suất, phí thường niên…
Mỗi một công ty quản lý ủy thác sẽ có những quy định riêng và khác nhau về việc thu phí nhà đầu tư. Bạn có thể tham khảo trong những văn bản, chính sách được công bố công khai trên website của họ hoặc họ sẽ tư vấn cụ thể cho bạn trước khi ký hợp đồng ủy thác. Bạn cần nắm rõ các khoản phí này để tránh những thắc mắc khi phát sinh một vài phụ phí khác trong quá trình ủy thác.
Ngoài ra, một lưu ý nữa là khi bạn có được thu nhập từ hoạt động đầu tư, bạn cần thực hiện nghĩa vụ trả thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu bạn là một doanh nghiệp) theo quy định của nhà nước. Bên nhận ủy thác có thể sẽ trích trực tiếp từ khoản tiền lời theo tỷ lệ vốn góp của bạn. Vì thế, hãy tìm hiểu thật kỹ và chắc chắn bản thân hiểu rõ việc chi trả thuế trước khi quyết định ký hợp đồng nhé!

Ví dụ minh phí ủy thác đầu tư chứng khoán công ty chứng khoán KB
Cá nhân có được phép nhận ủy thác đầu tư không?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý về quan hệ uỷ thác nói chung và uỷ thác đầu tư nói riêng.
Trên thực tế, khi ủy thác đầu tư tức là bên ủy thác (bên giao vốn) và bên nhận ủy thác (bên nhận vốn) sẽ thực hiện giao dịch thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư. Bên nhận ủy thác sẽ đứng ra thực hiện các hoạt động đầu tư và nhận khoản phí ủy thác, bên ủy thác phải trả phí và chịu mọi rủi ro về kết quả thực hiện hoạt động đầu tư.
Thông thường, các điều khoản ký kết trong hợp đồng do bên nhận ủy thác biên soạn và thường có lợi cho họ. Một khi tranh chấp xảy ra thì sẽ căn cứ vào các quy định của hợp đồng và áp dụng tương tự pháp luật để đưa ra hướng giải quyết. Bởi vậy, bên ủy thác là người sẽ gặp bất lợi và thiệt thòi hơn vì pháp luật chưa có các quy định để bảo vệ họ trong trường hợp này.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý về quan hệ uỷ thác nói chung và uỷ thác đầu tư nói riêng.
Một lưu ý nữa là, ủy thác đầu tư thuộc hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới có thể hoạt động. Theo quy định hiện hành thì chỉ có các công ty tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng hay các định chế tài chính trung gian… mới được nhận ủy thác vốn của tổ chức, các nhân để thực các hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Như vậy, cá nhân chưa được pháp luật quy định và cho phép nhận ủy thác đầu tư.
Với cương vị là nhà đầu tư ủy thác, trực tiếp giao vốn đầu tư cho bên nhận ủy thác, bạn cần xem xét thật kỹ tư cách pháp lý của tổ chức, doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ, năng lực tài chính, hoạt động kinh doanh… để tránh những tranh chấp hợp đồng và hậu quả không đang có về sau.
Kết luận
Ủy thác đầu tư được đánh giá là một hình thức đầu tư mang đến hiệu quả, sự tiện lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đi kèm với lợi nhuận hấp dẫn là những rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy, tổ chức hay cá nhân muốn thực hiện ủy thác đầu tư nên trang bị cho mình những kiến thức vững vàng và không nên ngại bỏ thời gian để tìm hiểu rõ về tổ chức mà mình định ủy thác sao cho quá trình đầu tư diễn ra suôn sẻ, hạn chế tối đa rủi ro, đáp ứng được kỳ vọng của bản thân.
Bài viết trên đây được tổng hợp và biên soạn bởi biên tập viên trên trang daututietkiem.vn. Hy vọng qua những nội dung trên đây bạn đọc đã hiểu rõ về ủy thác đầu tư cũng như trang bị được thêm cho bản thân những kiến thức về thuật ngữ đầu tư. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.