Hạn mức rủi ro là gì? Biện pháp phòng ngừa hạn mức rủi ro tín dụng 

0
Tài chính

Hạn mức rủi ro là gì?

Khái niệm về hạn mức rủi ro

Khái niệm về hạn mức rủi ro

Hạn mức rủi ro có thể hiểu là giới hạn rủi ro tối đa xảy ra trong hoạt động của một tổ chức tại một thời điểm cụ thể, được quy định trong kế hoạch của tổ chức đó hoặc theo một quy tắc chung cho mọi hoạt động cho toàn bộ các tổ chức liên quan. Giới hạn rủi ro nói chung được xác định trên cơ sở khẩu vị rủi ro, đo lường rủi ro đối với hoạt động kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh và những người tham gia giao dịch rủi ro. Hạn mức rủi ro là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong hoạt động cho vay của các ngân hàng hoặc trên thị trường tài chính. Thuật ngữ phổ biến nhất là hạn mức rủi ro tín dụng. Người cho vay luôn chấp nhận rủi ro khi chấp nhận một hợp đồng cho vay.

Xem thêm: Rủi ro tài chính là gì? 

Hạn mức rủi ro tín dụng là gì?

Khoản 24 Điều 2 Thông tư 41/2016/TT-NHNN giải thích:

Rủi ro tín dụng bao gồm:

Rủi ro tín dụng là rủi ro do khách hàng không đáp ứng được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thanh toán khoản nợ phát sinh theo bất kỳ hợp đồng hoặc thỏa thuận nào với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

Rủi ro tín dụng đối tác là rủi ro do đối tác không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thanh toán trước hoặc khi đến hạn của các giao dịch quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này.

Có thể thấy, cho vay là hoạt động cốt lõi của các ngân hàng và cũng là nguồn thu chính của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hoạt động cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro tín dụng. Rủi ro tín dụng gây tổn thất tài chính, làm giảm giá trị thị trường vốn của ngân hàng, trường hợp nặng hơn có thể làm hoạt động ngân hàng kinh doanh bị thua lỗ, nặng hơn có thể đưa ngân hàng đến bờ vực phá sản.

Rủi ro tín dụng khiến cho ngân hàng mất đi cơ hội nhận được thu nhập từ lãi cho vay, tổn thất ảnh hưởng trước đến lợi nhuận và sau đó là vốn tự có của ngân hàng. Ngoài ra nguồn vốn cho vay vốn sử dụng để cho vay chủ yếu là vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng vì vậy trong trường hợp nợ xấu quá nhiều ngân hàng phải sử dụng các nguồn vốn của mình để trả cho người gửi tiền. Đến khi ngân hàng không còn đủ nguồn vốn để trả cho người gửi tiền thì ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, có thể dẫn đến phá sản.

Ngân hàng là một tổ chức trung gian tài chính, có chức năng huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế để cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu vay lại. Nguồn vốn cho khách hàng vay chủ yếu là nguồn tiền gửi tiết kiệm của dân. Do đó, khi rủi ro tín dụng xảy ra, không chỉ ngân hàng chịu thiệt mà những khách hàng gửi tiền tại đây cũng bị ảnh hưởng.

Ngày nay hoạt động ngân hàng mang tính xã hội hóa cao nên một khi rủi ro tín dụng xảy ra đối với ngân hàng thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế – xã hội của cả quốc gia. Nếu có rủi ro trong hoạt động tín dụng, dù chỉ ở một ngân hàng mà không được ứng cứu kịp thời thì có thể gây phản ứng dây chuyền đe dọa đến tính an toàn toàn và ổn định của cả hệ thống ngân hàng. Từ đó sẽ gây ra những bất ổn về kinh tế – xã hội.

Phân loại rủi ro tín dụng

Trên thực tế có căn vào các hình thức sẽ chia ra nhiều các loại hình tín dụng khác nhau như sau: 

Căn cứ vào thời hạn tín dụng

  • Tín dụng ngắn hạn: Là tín dụng được dùng để vay bổ sung vốn lưu động của các doanh nghiệp và nhu cầu thanh toán cho các sinh hoạt cá nhân với thời hạn không quá 12 tháng.
  • Tín dụng trung hạn: Là tín dụng dùng để cho vay vốn, cầm cố tài sản cố định, đổi mới cải thiện kỹ thuật và xây dựng các công trình quy mô nhỏ của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hoá có giá trị lớn của cá nhân. Tín dụng trung hạn có thời hạn trên 12 tháng đến 60 tháng.
  • Tín dụng dài hạn: Là tín dụng được sử dụng để cho vay dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng và cải tiến các công trình sản xuất có quy mô lớn.

Căn cứ vào đối tượng tín dụng

  • Tín dụng vốn lưu động: Là tín dụng được cấp cho các doanh nghiệp hoặc các chủ thể kinh tế khác nhằm hình thành vốn lao động.
  • Tín dụng vốn cố định: Được hình thành dưới hình thức cho vay trung và dài hạn. Tín dụng cố định được cấp nhằm hình thành vốn cố định của các doanh nghiệp hoặc các chủ thể kinh tế khác. 

Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn tín dụng

  • Tín dụng sản xuất và lưu thông hàng hóa: Là loại tín dụng được cấp cho các doanh nghiệp hoặc các chủ thể kinh tế khác nhằm hỗ trợ quá trình sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. 
  • Tín dụng tiêu dùng: loại tín dụng được cấp cho các cá nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. 

Căn cứ vào chủ thể tín dụng

  • Tín dụng thương mại: Thể hiện mối quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp dưới hình thức mua bán chịu hàng hoá hoặc ứng tiền trước khi nhận hàng hoá.
  • Tín dụng ngân hàng: Là mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân. 
  • Tín dụng nhà nước: Cho biết mối quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân. Khi đó, nhà nước vừa là người cho vay, vừa là người cho vay. 

Căn cứ vào tính chất bảo đảm tiền vay

  • Tín dụng đảm bảo bằng tài sản: Là tín dụng được bảo đảm bằng tài sản của bên bảo lãnh, khách hàng, hình thành từ vốn vay.
  • Tín dụng đảm bảo không bằng tài sản: Là loại tín dụng được đảm bảo dưới hình thức tín chấp, được cho vay dựa trên chỉ định của Chính phủ và người vay vốn được bảo lãnh từ các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương. 

Căn cứ vào lãnh thổ hoạt động tín dụng

  • Tín dụng nội địa: Là mối quan hệ tín dụng được phát sinh trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. 
  • Tín dụng quốc tế: Là mối quan hệ tín dụng phát sinh giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa một quốc gia với một tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế. 

Các tiêu chí đánh giá rủi ro tín dụng

Rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí sau:

Nợ quá hạn

Trong hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thương mại, nợ quá hạn là chỉ tiêu cơ bản nhất phản ánh rủi ro tín dụng. Khi người vay không có khả năng trả một phần hoặc toàn bộ khoản vay cho ngân hàng khi đến hạn trả nợ đã cam kết theo hợp đồng thì nợ quá hạn sẽ phát sinh. 

Tùy vào thời gian quá hạn mà ngân hàng sẽ xác định khoản nợ của người vay vào các nhóm sau:

  • Nợ đủ tiêu chuẩn
  • Nợ cần chú ý
  • Nợ dưới tiêu chuẩn
  • Nợ nghi ngờ
  • Nợ có khả năng mất vốn

Nợ quá hạn tại các ngân hàng thương mại được phản ánh qua 2 tiêu chí là tỷ lệ nợ quá hạn và tỷ lệ khách hàng có nợ quá hạn. Trong đó:

  • Tỷ lệ nợ quá hạn = Số dư nợ quá hạn/Tổng dư nợ
  • Tỷ lệ khách hàng có nợ quá hạn = Số khách hàng có nợ quá hạn/Tổng số khách hàng có dư nợ

Theo đó nếu như ngân hàng có chỉ tiêu nợ quá hạn và số khách hàng có nợ quá hạn lớn thì ngân hàng đó đang có mức rủi ro cao và ngược lại chỉ tiêu nợ quá hạn và số khách hàng có nợ quá hạn nhỏ thì ngân hàng đó đang có mức rủi ro thấp.

Nợ xấu

Nợ xấu trong hoạt động tín dụng chính là các khoản nợ quá hạn trên 90 ngày, bị nghi ngờ về khả năng trả nợ và thu hồi vốn của người cho vay. Chỉ tiêu nợ xấu chính là yếu tố phản ánh rõ nét nhất chất lượng tín dụng của ngân hàng. 

Theo Thông tư 02/2013/TT-NHNH, các khoản vay khách hàng sẽ được phân thành 5 nhóm dựa trên mức độ rủi ro bao gồm: 

  • Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn (quá hạn dưới 10 ngày)
  • Nhóm 2: Nợ cần chú ý (quá hạn từ 10 – 90 ngày)
  • Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn quá hạn từ 91 – 180 ngày)
  • Nhóm 4: Nợ nghi ngờ (quá hạn từ 181 – 360 ngày)
  • Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn quá hạn trên 360 ngày).

Thêm vào đó, nợ xấu phản ánh các tiêu chí sau đây: 

  • Tỷ lệ nợ xấu = Nợ xấu/Tổng dư nợ. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 5% là có thể chấp nhận được, nhưng mức tỷ lệ tốt nhất là 1-3%.
  • Tỷ trọng nợ xấu theo nhóm nợ = Dư nợ xấu nhóm (3,4,5)/Tổng dư nợ xấu
  • Tỷ lệ nợ xấu trên vốn chủ sở hữu = Nợ xấu/Vốn chủ sở hữu
  • Tỷ lệ nợ xấu trên quỹ dự phòng tổn thất = Nợ xấu/Quỹ dự phòng tổn thất

Dự phòng rủi ro tín dụng

Dự phòng rủi ro tín dụng cũng là một tiêu chí để đánh giá mức độ rủi ro tín dụng tại các ngân hàng. Theo đó, dự phòng chính là số tiền được trích lập và hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Trong hoạt động tín dụng, dự phòng rủi ro tín dụng được tính trên số dư nợ gốc của khách hàng. Cụ thể như sau:

  • Dự phòng cụ thể: Chính là bảo hiểm rủi ro cho từng khoản vay cụ thể
  • Dự phòng chung: Bảo hiểm các rủi ro chung không xác định trong danh mục tín dụng và toàn bộ dự phòng được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Các nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng

Rủi ro tín dụng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và xuất phát từ nhiều yếu tố. Về cơ bản rủi ro tín dụng do 3 nguyên nhân sau đây:

Nguyên nhân đến từ chính ngân hàng 

Các yếu tố xuất phát từ chính ngân hàng cũng là nguyên nhân làm xuất hiện các rủi ro tín dụng ở nguy cơ cao. Theo đó:

  • Do ngân hàng thường chủ quan, tỏ thái độ có khả năng và sẵn sàng hứng chịu cũng như khắc phục rủi ro ở giới hạn/mức độ nhất định
  • Do mở rộng tín dụng quá mức khiến cho việc lựa chọn khách hàng không kỹ, giảm khả năng giám sát của cán bộ tín dụng đối với việc sử dụng khoản vay dẫn đến quy trình tín dụng không được thực hiện chặt chẽ. 
  • Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng bộc lộ sự yếu kém 

Nguyên nhân từ phía khách hàng

– Khách hàng dùng khoản vay cho mục đích đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm, có sự biến động của thị trường dẫn đến việc không thu được lợi nhuận nên không đủ khả năng chi trả khoản vay.

Một số khách hàng cố tình lừa đảo nhằm chiếm dụng vốn của ngân hàng.

Ảnh hưởng từ các nguyên nhân khách quan 

Hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khách quan từ như môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, môi trường pháp lý… Và các yếu tố này có thể tác động đến hoạt động tín dụng và có nguy cơ làm xuất hiện rủi ro tín dụng.

Hệ quả của rủi ro tín dụng

Khi tình trạng tín dụng xảy ra, hậu quả để lại sẽ cực kỳ nghiêm trọng. Hệ quả mà nó đem lại không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người vay mà cả ngân hàng và nền kinh tế chung.

Ảnh hưởng của rủi ro tín dụng đến hoạt động của Ngân hàng, riêng ngân hàng thì rủi ro tín dụng làm cho tổ chức này bị mất cơ hội nhận được tiền lãi. Ngoài ra nó còn gây tổn thất đến lợi nhuận và vốn tự có của ngân hàng. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng thì ngân hàng sẽ mất khả năng thanh toán dẫn đến phá sản.

Tình trạng nợ xấu của một ngân hàng do không thu hồi được vốn vay dẫn đến việc bị giám sát bởi Ngân hàng nhà nước, từ đó điểm uy tín bị giảm sút và tầm hoạt động củng bị ảnh hưởng cũng là một hệ quả của rủi ro tín dụng.

Ảnh hưởng của rủi ro tín dụng đối với nền Kinh tế

Bắt nguồn từ hiện trạng ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, dẫn đến uy tín bị ảnh hưởng gây mất lòng tin ở Khách hàng. Từ đó, các khách hàng đang có tiền gửi tiết kiệm Ngân hàng này sẽ đến rút tiền gây một số hậu quả nghiêm trọng như: Ngân hàng hết vốn buộc phải vay từ các ngân hàng khác hoặc từ ngân hàng nhà nước

Biện pháp phòng ngừa hạn mức rủi ro tín dụng 

Để phòng ngừa cũng như xử lý các rủi ro về hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại, nội bộ ngân hàng nói riêng cũng như Nhà nước khác nói chung cần có những biện pháp để phòng ngừa hạn mức rủi ro tín dụng như sau: 

  • Thiết lập chính sách tín dụng phù hợp cho từng nhóm đối tượng khách hàng: Các ngân hàng cần xây dựng và thiết lập các chính sách tín dụng như chính sách khách hàng, quy mô, giới hạn tín dụng và chính sách lãi suất phù hợp cho từng đối tượng khách hàng. Từ đó tạo ra sự thống nhất chung trong việc vận hành tín dụng để giảm rủi ro và nâng cao khả năng sinh lời trong buôn bán tín dụng. 
  • Phân tích tín dụng, thẩm định phương án vay vốn, dự án đầu tư của khách hàng: Khi phân tích tín dụng thẩm định các dự án đầu tư của khách hàng, ngân hàng sẽ đánh giá được tính khả thi của phương án sản xuất buôn bán cũng như dự án đầu tư mà khách hàng xin vay vốn. Từ đó đánh giá được khả năng trả nợ của khách hàng. 
  • Xếp hạng tín dụng: Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ hoặc khi rất cần thiết, làm cơ sở cho việc xét duyệt cấp tín dụng. 
  • Bảo đảm tín dụng bằng của cải tài sản: Đây là biện pháp giúp phòng ngừa rủi ro cho ngân hàng một cách tốt nhất. Khi đảm bảo khoản vay bằng của cải tài sản có tổng giá trị, ngân hàng sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để thu hồi các khoản nợ từ khách hàng vay. 
  • Mua bảo hiểm tín dụng: Nếu trường hợp khách hàng không may gặp rủi ro kéo theo việc không có mức lương để trả nợ, lúc này công ty bảo hiểm sẽ chi trả cho ngân hàng thay khách hàng. 
  • Lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng: Các ngân hàng thương mại phải lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng để khả năng phục hồi tốt các trường hợp rủi ro tín dụng xấu có khả năng xảy ra trong vận hành tín dụng. 

Giải đáp một số thuật ngữ liên quan đến hạn mức rủi ro

Hạn mức rủi ro thanh khoản là gì?

Thanh khoản là khả năng của ngân hàng trong việc tiếp cận các tài sản hoặc nguồn vốn có thể dùng để đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi trả với mức chi phí hợp lý ngay khi nhu cầu chi trả phát sinh. Hay nói cách khác, đối với ngân hàng thương mại, thanh khoản là khả năng ngân hàng có thể đáp ứng kịp thời các nghĩa vụ tài chính khi chúng đến hạn với mức chi phí hợp lý.

Hạn mức rủi ro thanh khoản có thể hiểu là giới hạn tối đa cho rủi ro thanh khoản – một loại rủi ro trong lĩnh vực tài chính. Rủi ro này xảy ra khi ngân hàng thiếu ngân quỹ hay các tài sản ngắn hạn mang tính khả thi nhằm đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền, cũng như người đi vay.

Hiểu đơn giản rủi ro thanh khoản là rủi ro do:

  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn; hoặc
  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn nhưng phải trả chi phí cao để thực hiện nghĩa vụ đó.

Khoản 3, Điều 48 Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định, hạn mức rủi ro thanh khoản của ngân hàng bao gồm:

Các hạn mức rủi ro đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tiền gửi, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn; Các hạn mức khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Hạn mức rủi ro thị trường của ngân hàng thương mại quy định như thế nào?

Hạn mức rủi ro thị trường của ngân hàng thương mại được quy định Khoản 2 Điều 38 Thông tư 13/2018/TT-NHNN như sau:

“Hạn mức rủi ro thị trường tối thiểu bao gồm:

  1. a) Hạn mức rủi ro lãi suất: Hạn mức rủi ro lãi suất đối với danh mục sản phẩm giao dịch, hạn mức cho giao dịch viên, hạn mức cắt lỗ, hạn mức về tổng trạng thái rủi ro lãi suất trên sổ kinh doanh;
  2. b) Hạn mức rủi ro ngoại hối: Hạn mức về tổng trạng thái ngoại tệ dương tổng trạng thái ngoại tệ âm; hạn mức cho giao dịch viên; hạn mức cắt lỗ;
  3. c) Hạn mức rủi ro giá cổ phiếu tự doanh đối với công ty con là công ty chứng khoán của ngân hàng thương mại;
  4. d) Hạn mức rủi ro giá hàng hóa: Hạn mức đối với danh mục sản phẩm giao dịch; hạn mức cho giao dịch viên; hạn mức cắt lỗ”

Hạn mức rủi ro tập trung được hiểu như thế nào?

Hạn mức rủi ro tập trung được hiểu là mức giới hạn tối đa cho rủi ro tập trung, là rủi ro do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hoạt động kinh doanh tập trung vào một khách hàng (bao gồm người có liên quan), đối tác, sản phẩm, giao dịch, ngành, lĩnh vực kinh tế, loại tiền tệ ở mức độ có tác động đáng kể đến thu nhập, trạng thái rủi ro theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tôi là Phương Anh - Một biên tập viên chuyên về lĩnh vực tài chính, với nhiều năm tìm hiểu về thị trường chứng khoán cũng như đầu tư, tôi hy vọng những kiến thức mà tôi tích góp được có thể hỗ trợ bạn phần nào trong công việc đầu tư của mình.

dang-ky-dau-tu-nhat-nam

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY

[contact-form-7 id="567" title="Form đăng ký Nhật Nam"]

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC