Trái phiếu kèm chứng quyền là gì? Những điều cần biết về trái phiếu kèm chứng quyền

0
Chứng quyềnTrái phiếu

Hiện nay, trái phiếu kèm chứng quyền được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư để thu về lợi nhuận. Vậy trái phiếu chứng quyền là gì? Hãy cùng tìm hiểu rõ qua bài viết dưới đây.

Trái phiếu kèm chứng quyền là gì? 

Trái phiếu kèm chứng quyền là gì

Căn cứ theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, trái phiếu kèm chứng quyền được định nghĩa như sau: 

“5. Trái phiếu kèm chứng quyền là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.”

Chứng quyền (trong tiếng Anh là Covered Warrant – viết tắt là CW) chính là một loại chứng khoán cho phép, nhưng không bắt buộc người nắm giữ có thể mua/bán một chứng khoán cơ sở ở một thời điểm xác định trong tương lai tại một mức giá xác định.

Chứng quyền sau khi phát hành sẽ được niêm yết và giao dịch giống như một cổ phiếu bình thường trên sàn chứng khoán và được nhà tạo lập thị trường là tổ chức phát hành đảm bảo thanh khoản.

Theo đó, chứng quyền phát hành kèm trái phiếu còn được gọi là chứng quyền cổ phiếu. Loại chứng quyền này có thể được tách và được bán riêng mà không liên quan đến trái phiếu.

Đặc điểm của trái phiếu kèm chứng quyền

Trái phiếu kèm chứng quyền có những đặc điểm riêng biệt như sau:

  • Người sở hữu chứng quyền có thể mua một số cổ phiếu phổ thông mà doanh nghiệp phát hành.
  • Khi tham gia nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ bởi giá giao dịch của mỗi chứng quyền thường thấp.
  • Các chứng quyền sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán như cổ phiếu, nhà đầu tư có thể sử dụng tài khoản giao dịch cổ phiếu để thực hiện mua/bán chứng quyền.
  • Phí giao dịch chứng quyền sẽ tương tự như phí giao dịch chứng chỉ quỹ ETF và thấp hơn so với phí giao dịch cổ phiếu.
  • Nhà đầu tư không phải ký quỹ bất kỳ khoản tiền nào khi giao dịch chứng quyền dù là chứng quyền mua hay bán.
  • Các nhà đầu tư được bảo vệ vì Ủy ban Chứng khoán sẽ ban hành các quy định cụ thể về điều kiện để công ty chứng khoán được phép phát hành chứng quyền.

Các thông tin cơ bản của một chứng quyền trong trái phiếu kèm chứng quyền

Một chứng quyền trong trái phiếu kèm chứng quyền sẽ có các thông tin cơ bản như sau:

Thông tin cơ bản Nội dung
Giá chứng quyền Chính là khoản tiền để mua chứng quyền mà nhà đầu tư bỏ ra 
Giá thực hiện Mức giá mà nhà đầu tư thực hiện quyền mua/bán chứng khoán cơ sở khi chứng quyền đáo hạn
Tỷ lệ chuyển đổi Là số chứng quyền mà nhà đầu tư cần phải có để đổi lấy một chứng khoán cơ sở
Thời hạn chứng quyền Là thời gian mà chứng quyền lưu hành, tối đa 24 tháng và tối thiểu 3 tháng
Ngày đáo hạn Ngày cuối cùng được thực hiện chứng quyền của người sở hữu chứng quyền 
Ngày giao dịch cuối Ngày cuối cùng mà chứng quyền còn được giao dịch (thường là 2 ngày trước ngày đáo hạn)
Phương thức thanh toán Bằng tiền mặt, là mức chênh lệch giữa giá chứng khoán cơ sở và giá thực hiện

Ai được mua trái phiếu kèm chứng quyền tại thị trường trong nước?

Về đối tượng mua trái phiếu kèm chứng quyền, căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi và bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP) cụ thể như sau:

“1. Đối tượng mua trái phiếu

  1. a) Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
  2. b) Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
  3. c) Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 155/2020/NĐ-CP), ngoại trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản này.
  4. d) Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận.”

Theo đó, đối tượng được mua trái phiếu kèm chứng quyền là nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.

Điều kiện chào bán trái phiếu kèm chứng quyền tại thị trường trong nước là gì?

Điều kiện chào bán trái phiếu kèm chứng quyền

Điều kiện chào bán trái phiếu kèm chứng quyền

Căn cứ khoản 3 Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP có quy định về điều kiện chào bán trái phiếu kèm chứng quyền tại thị trường như sau:

“3. Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:

  1. a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần.
  2. b) Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định này.
  3. c) Đáp ứng các điều kiện chào bán quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này.
  4. d) Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.

đ) Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.”

Theo đó, các quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 9 cụ thể như sau:

“b) Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.

  1. c) Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
  2. d) Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

đ) Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này.”

Có nên đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền không?

Tại Việt Nam, trái phiếu kèm chứng quyền hiện nay là một trong những loại trái phiếu được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng và được xem là một công cụ huy động vốn trung và dài hạn.

Trong đó, FPT là doanh nghiệp áp dụng mô hình trái phiếu kèm chứng quyền sớm nhất tại Việt Nam. FPT đã phát hành 1.800 trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tháng 10/2009 với tổng giá trị trái phiếu phát hành là 1.800 tỷ đồng. Theo phương án phát hành đó, cứ 1 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu sẽ được kèm theo 1.158 chứng quyền, 1 chứng quyền được quyền mua 10 cổ phần FPT và công ty cam kết tỷ lệ pha loãng không quá 15% vốn điều lệ tại ngày phát hành. 

Hay Ninh Vân Bay (NVT) phát hành 230 tỷ trái phiếu năm 2014 với kỳ hạn 3 năm, tương đương kèm 23.000 chứng quyền. Theo đó, với mỗi chứng quyền sắp phát hành của NVT, người nắm giữ sẽ được mua 415 cổ phần phổ thông với mức giá 7.500 đồng,…

Thời gian đầu chứng quyền phát hành kèm trái phiếu chưa thực sự mang lại cho nhà đầu tư nhiều trái ngọt. Tuy nhiên, những chứng quyền được phát hành kèm trái phiếu hiện nay đã mang đến cho các trái chủ những lợi ích nhất định. Điều này đã khiến cho không ít nhà đầu tư tỏ ra quan tâm đến trái phiếu kèm chứng quyền. 

Hiện nay, đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền đang trở thành xu hướng thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý bởi tuy loại hình trái phiếu này mang lại cho nhà đầu tư nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đối với câu hỏi có nên đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền không thì còn tùy vào khẩu vị đầu tư của mỗi nhà đầu tư mà đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp. Dưới đây là một số lợi ích và rủi ro khi đầu tư chứng quyền mà nhà đầu tư có thể tham khảo để có những quyết định đầu tư đúng đắn: Cụ thể:

Về lợi ích

Chứng quyền kèm trái phiếu sẽ mang đến cho nhà đầu tư các lợi ích như sau:

  • Nhà đầu tư được tổ chức phát hành bảo vệ quyền lợi.
  • Vốn đầu tư ban đầu thấp.
  • Khi giao dịch, nhà đầu tư không cần ký quỹ.
  • Nhà đầu tư có thể tiếp cận và giao dịch chứng quyền dễ dàng với chi phí giao dịch thấp.
  • Thanh toán giao dịch chứng quyền kèm trái phiếu tương tự như khi thanh toán cổ phiếu.
  • Chứng quyền được coi là một công cụ phòng ngừa rủi ro hữu ích khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động tiêu cực do sự bị tác động bởi sự biến đổi của thị trường đến danh mục tài sản của mình.

Về rủi ro

  • Giá của chứng quyền có thể bị tác động bởi biến động của thị trường. Theo đó, chứng quyền sẽ bị tạm dừng giao dịch hoặc hủy niêm yết nếu chứng khoán cơ sở bị tạm dừng giao dịch hoặc hủy niêm yết.
  • Nhà đầu tư cần có sự nhạy bén và tâm lý vững vàng bởi giá chứng quyền có sự biến đổi bởi nhiều yếu tố.
  • Chứng quyền có thời hạn nên tại thời điểm đáo hạn nhà đầu tư sẽ không được tiếp tục nắm giữ chứng quyền.
  • Rủi ro trong đợt phát hành nếu chẳng may doanh nghiệp bị phá sản hoặc gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến việc không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi trái phiếu kèm chứng quyền đáo hạn.

Kết luận

Trên đây là một số các thông tin cơ bản về trái phiếu kèm chứng quyền cũng như điều kiện chào bán trái phiếu kèm chứng quyền tại thị trường trong nước mà Đầu tư Tiết kiệm muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc trang bị được thêm những kiến thức hữu ích về loại trái phiếu này để từ đó có những quyết định đầu tư đúng đắn. Chúc bạn thành công!

Tôi là Lan Anh - Biên tập viên phân tích tài chính, với 5 năm tìm hiểu về thị trường tài chính cũng như đầu tư. Rất hy vọng những kiến thức mà tôi học hỏi và tích lũy được có thể hỗ trợ, cung cấp đến các bạn những thông tin chính xác, tư vấn hỗ trợ xử lý các dịch vụ tài chính, đầu tư hiệu quả nhất!

dang-ky-dau-tu-nhat-nam

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY

[contact-form-7 id="567" title="Form đăng ký Nhật Nam"]

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC