Lấn chiếm đất là gì? Lấn chiếm đất sẽ bị xử phạt như thế nào?

0
Đầu tư BĐS

Lấn chiếm đất là gì?

Bạn đã nghe đến từ lấn chiếm đất nhiều lần nhưng liệu đã hiểu rõ về định nghĩa lấn chiếm đất chưa? Cụ thể nó được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau:

Lấn đất là gì?

Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

Hành vi lấn chiếm đất là gì?

Hành vi lấn chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép.
  • Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép.
  • Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp).
  • Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Lấn chiếm đất sẽ bị xử phạt như thế nào?

Hành vi lấn chiếm đất của người khác hoặc của Nhà nước sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Cụ thể người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền lên đến 500 triệu đồng với cá nhân, 1 tỷ đồng với tổ chức. 

Lấn chiếm đất bị xử phạt như thế nào?

Lấn chiếm đất bị xử phạt như thế nào?

Mức xử phạt sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Cá nhân hay tổ chức vi phạm?
  • Lấn chiếm đất ở khu vực nông thôn hay đô thị?
  • Diện tích đất lấn chiếm là bao nhiêu?
  • Loại đất lấn chiếm: lấn chiếm đất ở hay lấn chiếm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp?

Đặc biệt, diện tích đất lấn chiếm càng lớn thì mức xử phạt càng cao. Lấn chiếm đất trái phép tại khu vực đô thị có mức xử phạt gấp đôi so với khu vực nông thôn. Nếu lấn chiếm đất đai của người khác hoặc của Nhà nước sẽ phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: phải khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi lấn chiếm, phải trả lại diện tích đất lấn chiếm…

Lấn chiếm đất có bị xử lý hình sự không?

Người lấn chiếm đất đai trái phép có thể bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Cụ thể tại Điều 228, Bộ luật hình sự 2015 quy định tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai như sau:

– Phạt tiền từ 50 triệu đồng – 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm với trường hợp sau:

  • Trường hợp lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có tổ chức
  • Phạm tội 2 lần trở lên
  • Tái phạm nguy hiểm.

– Người phạm tội lấn chiếm đất của người khác có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng – 50 triệu đồng.

Quy trình cưỡng chế lấn chiếm đất đai

Quy trình cưỡng chế lấn chiếm đất bao gồm 3 bước cơ bản sau đây:

Bước 1: Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.

Bước 2: Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế. Có 2 trường hợp xảy ra:

– Trường hợp 1: Người bị cưỡng chế chấp hành quyết định cưỡng chế:

  • Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành.
  • Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

– Trường hợp 2: Người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Bước 3: Ban thực hiện cưỡng chế có quyền:

  • Buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế.
  • Tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Trường hợp người bị cưỡng chế không thực hiện Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế, người có liên quan và tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Quy trình cưỡng chế lấn chiếm đất

Quy trình cưỡng chế lấn chiếm đất

Nếu người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật đồng thời thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

Tình hình lấn chiếm đất đai hiện nay

Hành vi lấn chiếm đất đai vi phạm quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất. Nhưng cho đến nay, các vụ lấn chiếm đất đai trái phép vẫn diễn ra khá phức tạp khắp cả nước.

Điển hình có 1 số trường hợp như:

– Theo thông tin trên Báo VOV, 6/2021 Thành phố Hải Phòng vừa tổ chức cưỡng chế 159 công trình xây dựng trái phép lấn chiếm trên khu đất 9,2 ha tại phường Thành Tô, quận Hải An. Đây là cuộc cưỡng chế lịch sử, không chỉ với sự tham gia của cả nghìn người mà số lượng công trình vi phạm và diện tích đất công bị lấn chiếm cũng “khủng” nhất từ trước tới nay ở thành phố Cảng.

– Theo thông tin trên Báo BNEWS từ đầu năm 2022 đến nay, các ngành chức năng thành phố Phú Quốc phát hiện và xử lý 55 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai; 32 vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép; xử phạt 114 vụ vi phạm lĩnh vực trật tự đô thị; cưỡng chế, khắc phục hậu quả 8 trường hợp; xử lý 88 vụ vi phạm lấn, chiếm đất rừng và phá rừng với tổng diện tích 24,44 ha.

– Trên Báo Công lý cũng phản ánh về tình trạng lấn chiếm đất tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Theo đó, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở. Mặc dù sự việc đã được xử lý, người vi phạm được yêu cầu tháo dỡ và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đầu của đất trước khi lấn chiếm đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể cá nhân liên quan đến sai phạm này. Tuy nhiên, sự việc lấn chiếm đất tại đây vẫn chưa được xử lý dứt điểm gây bức xúc dư luận.

– Theo thông tin trên Báo điện tử Tiền Phong, hàng loạt hồ nước tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bị người dân đóng cọc bê tông xuống lòng hồ và đổ đất, lấn chiếm. Ven hồ Thanh Niên có gần 4.000m2 lòng hồ đã bị đổ đất để lấn chiếm. Bên cạnh hồ có một quả đồi đã bị vạt ngang, lấy đất để phục vụ việc san lấp. Ngoài ra, trên địa bàn thôn Đồng Chằm, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, Công ty Thủy lợi Phúc Yên đã tiến hành lập biên bản về việc đổ đất, san lấp, lấn chiếm lòng hồ Trại Trâu của người dân vào ngày 12/12/2021.

Một số câu hỏi liên quan 

Lấn chiếm đất quy hoạch là gì?

Lấn chiếm đất quy hoạch là việc người sử dụng đất tự ý chuyển dịch mốc giới/ranh giới mảnh đất của mình sang phần diện tích đất quy hoạch hoặc tự ý sử dụng đất quy hoạch khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Lấn chiếm đất hợp pháp không?

Lấn chiếm đất theo Luật Đất đai là hành vi bị nghiêm cấm. Nên việc lấn chiếm đất là không hợp pháp.

Căn cứ Khoản 1, Điều 12, Luật Đất đai quy định như sau:

“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai”.

Lấn chiếm đất đai xây nhà có bị xử phạt không?

Câu trả lời là có. Lấn chiếm đất của người khác hay lấn chiếm đất công để xây nhà đều bị xử phạt hành chính theo quy định. Đồng thời người vi phạm còn phải trả lại phần diện tích đã lấn chiếm, khôi phục tình trạng ban đầu của đất (trong tình huống này là buộc tháo dỡ nhà ở)…

Lấn chiếm đất đai xây nhà có bị xử phạt không?

Lấn chiếm đất đai xây nhà có bị xử phạt không?

Đảng viên vi phạm lấn chiếm đất đai bị xử lý thế nào?

 Đảng viên vi phạm lấn chiếm đất đai sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tùy từng trường hợp mà có nhiều hình thức xử lý khác nhau.

Cụ thể tại Điều 21, Quy định 102/2017 QĐ-TW xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về đất đai như sau:

Kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

Áp dụng với trường hợp đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng:

  • Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định trong quản lý và sử dụng nhà ở; vi phạm các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng công trình và quản lý nhà ở.
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, các thủ tục, quy định, quyết định của Nhà nước về chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
  • Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức:

Áp dụng với trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định trên mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau:

  • Làm trái quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, thay đổi mục đích và quyền sử dụng đất; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
  • Cản trở, chống lại hoặc kích động, xúi giục, ép buộc người khác chống lại quyết định đúng pháp luật của cấp có thẩm quyền về thu hồi đất, giao đất, thực hiện các dự án quốc gia và về giải phóng mặt bằng.
  • Vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho tổ chức, cá nhân, phải bồi thường mà không bồi thường theo quy định.
  • Có trách nhiệm nhưng không phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thuộc phạm vi theo dõi hoặc phụ trách.
  • Làm trái quy định trong việc quản lý nhà, trụ sở làm việc của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội, doanh trại đơn vị quân đội, công an hoặc trong sở hữu, xây dựng, sử dụng, sửa chữa nhà ở của tổ chức được giao quản lý.

Kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

Áp dụng với trường hợp vi phạm theo 2 quy định trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau:

  • Chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hủy hoại đất.
  • Giả mạo, gian lận giấy tờ, làm sai lệch hồ sơ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với nhà ở.
  • Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản trái quy định của pháp luật.
  • Vì lợi ích cục bộ mà ban hành các văn bản hoặc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, thu hồi đất trái pháp luật.

Kết luận 

Vậy lấn chiếm đất là hành vi trái phép, sẽ bị xử phạt hành chính và có thể bị xử phạt hình sự với mức phạt tù lên đến 7 năm nếu vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan, bạn hãy để lại bình luận ngay bên dưới cho chúng tôi nhé!

Tôi là Dung - Biên tập viên phân tích tài chính, với 5 năm tìm hiểu về thị trường chứng khoán cũng như đầu tư. Tôi rất hy vọng những kiến thức mà tôi học hỏi và tích lũy được có thể hỗ trợ bạn dù chỉ một phần nhỏ trong công việc đầu tư.

dang-ky-dau-tu-nhat-nam

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY

[contact-form-7 id="567" title="Form đăng ký Nhật Nam"]

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC