CPI là gì? Cập nhật mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay

0
Tài chính

Chỉ số CPI được biết đến là một chỉ số quan trọng và được quan tâm bởi những chủ thể là những nhà kinh tế nói riêng và đối với cả một quốc gia nói chung. Trong kinh tế vĩ mô, CPI là một chỉ số có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động, sự phát triển của một nền kinh tế. Đây là một chỉ số được sử dụng rất phổ biến dùng để đo lường giá cả hàng hoá dịch vụ, từ đó có thể dự đoán được liệu nền kinh tế có bị lạm phát hoặc giảm phát hay không. Vậy CPI là gì, có ý nghĩa và cách tính như thế nào cũng như tình hình chỉ số giá tiêu dùng – CPI tại Việt Nam hiện nay ra sao. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu rõ qua bài viết dưới đây.

CPI là gì?

Chỉ số giá tiêu dùng trong tiếng Anh là Consumer Price Index – CPI. Đây là chỉ số dùng để đo lường mức giá trung bình của hàng hóa – dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định mà một người tiêu dùng mua.

Có thể hiểu chỉ số giá tiêu dùng một cách đơn giản, chỉ số này phản ánh về mức thay đổi tương đối theo thời gian về giá của hàng tiêu dùng và được tính bằng phần trăm (%). Theo đó, khi chỉ số CPI tăng đột ngột trong một khoảng thời gian cố định thì lúc đó nền kinh tế đang bước vào giai đoạn lạm phát, do đó CPI chính là chỉ tiêu được sử dụng phổ biến nhất để đo lường mức giá cũng như sự thay đổi của mức giá trung bình theo thời gian mà người tiêu dùng trả cho một giỏ hàng hóa hoặc dịch vụ, thường được gọi là lạm phát, từ đó có thể dự đoán được liệu nền kinh tế có bị lạm phát hoặc giảm phát hay không và tìm cách ngăn chặn nó.

Chỉ số CPI phản ánh về mức thay đổi tương đối về giá của hàng tiêu dùng

Chỉ số CPI phản ánh về mức thay đổi tương đối về giá của hàng tiêu dùng

Ví dụ: Đối với mức giá của các giỏ hàng và dịch vụ: Gạo, thịt, cá, hàng may mặc, điện, nước,… Chỉ số CPI được sử dụng sẽ đo lường mức giá trung bình mà người tiêu dùng chi trả cho các mặt hàng tiêu dùng này trong một khoảng thời gian xác định.

Theo đó, các lĩnh vực mà chỉ số CPI sẽ đo lường chi phí trong nền kinh tế vĩ mô như: Thực phẩm và đồ uống; Nhà ở; Quần áo; Phương tiện vận chuyển; Giáo dục và truyền thông; Giải trí; Dịch vụ y tế; Hàng hóa và dịch vụ khác.

5 bước tính chỉ số giá tiêu dùng – CPI 

Để tính được chỉ số giá tiêu dùng CPI, cần phải thực hiện thông qua 5 bước cơ bản sau đây:

Bước 1: Cố định giỏ hàng hóa

Việc đầu tiên đó chính là xác định lượng hàng hóa cố định. Theo đó, các nhà nghiên cứu sẽ thông qua việc điều tra, từ đó xác định những mặt hàng và dịch vụ tiêu biểu mà một người tiêu dùng điển hình sẽ mua để sử dụng.

Mặt hàng và dịch vụ ở đây bao gồm: Thực phẩm, báo chí, chỗ ở, đĩa CD, quần áo,… Trong đó, hàng hóa được chi tiêu nhiều nhất chính là thực phẩm. Nó chiếm tỷ trọng lớn và quan trọng đối với cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Tiếp sau thực phẩm đó là những chỉ số giá tiêu dùng của vé xem phim hoặc kem đánh răng,…

Bước 2: Xác định giá cả

Tại bước này cần thu thập những thông tin cần thiết và tiến hành thực hiện thống kê, định mức giá cả tất cả các loại mặt hàng, dịch vụ trong giỏ hàng hóa cố định tại mỗi thời điểm.

Bước 3: Tính toán chi phí để mua giỏ hàng hóa, dịch vụ

Tính toán tổng chi phí để mua giỏ hàng hóa đó được thực hiện bằng cách lấy giá cả tương ứng với mỗi mặt hàng có trong giỏ hàng hóa nhân với số lượng mỗi mặt hàng, dịch vụ rồi sau đó để có tổng chi phí bằng tiền bạn cần thực hiện cộng tất cả kết quả lại với nhau.

Bước 4: Tính chỉ số giá tiêu dùng CPI

Để tính chỉ số giá tiêu dùng cho từng thời kỳ, ta có công thức tính như sau:

CPIt = (Chi phí để mua giỏ hàng hóa thời kỳ t / Chi phí để mua giỏ hàng hóa kỳ cơ sở) x 100

Trong đó chỉ số CPIt là chỉ số mua hàng trong thời kỳ t.

Lưu ý: Trong vòng từ 5 – 7 năm thời kỳ gốc sẽ được thay đổi (tùy vào từng nước cụ thể).

Bước 5: Tính chỉ số lạm phát

Sau khi có được CPI, tiếp theo sẽ dùng kết quả vừa tìm được để tiếp tục tính các chỉ số lạm phát, theo đó nếu muốn tính Chỉ số lạm phát CPI của một thời kỳ, ta áp dụng công thức sau đây:

Chỉ số lạm phát trong thời kỳ T = 100% x (CPI thời kỳ T – CPI thời kỳ T-1) / CPI thời kỳ T-1

Ví dụ: Một giỏ hàng hóa gồm có quả cam và quả quýt.

Chọn năm 2015 làm năm cơ sở. Mức giá của giỏ hàng hóa như sau:

  • Quả cam: 1500 VNĐ/quả
  • Quả quýt: 2000 VNĐ/quả

Đến hiện tại là năm 2022, giá bán giỏ hàng này như sau:

  • Quả cam: 2000 VNĐ/quả
  • Quả quýt: 3000 VNĐ/quả

Nếu bạn mua 50 quả quýt và 25 quả cam thì CPI của giỏ hàng hóa này sẽ được tính như sau: 

CPI = [(25 x 2000 + 50 x 3000) / (25 x 1500 + 50 x 2000)] x 100 = 145,45

Các vấn đề gặp phải khi tính chỉ số giá tiêu dùng

Các vấn đề gặp phải khi tính chỉ số giá tiêu dùng

Theo đó, vì phương pháp tính toán là cố định giỏ hàng hóa cho nên khi tính toán chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ gặp phải 3 vấn đề sau đây:

Chỉ số CPI có khả năng sẽ phản ánh cao hơn thực tế

Trong một số trường hợp, khi một mặt hàng hay dịch vụ được chọn trong giỏ hàng hóa cố định tăng nhanh hơn các mặt hàng khác, lúc đó người tiêu dùng sẽ có xu hướng hạn chế mua những mặt hàng đã trở nên quá đắt đỏ và thay vào đó là chuyển sang sử dụng một mặt hàng khác có giá thành rẻ và hợp lý hơn. Do đó, yếu tố này sẽ làm cho chỉ số CPI đã được đánh giá cao hơn thực tế của mức giá.

Chỉ số CPI không thể hiện được sự xuất hiện của những mặt hàng mới trên thị trường

CPI không phản ánh được sự xuất hiện của những hàng hoá mới vì chỉ sử dụng giỏ hàng hoá cố định khi tính chỉ số CPI, nên khi có mặt hàng hóa mới xuất hiện thì các loại sản phẩm mà một đơn vị về tiền tệ có thể mua được đa dạng hơn rất nhiều. Lúc này chỉ số CPI không phản ánh được sự gia tăng sức mua của đồng tiền vì thế nó sẽ đánh giá về mức giá thành cao hơn so với thực tế.

Chỉ số CPI không thể hiện được sự thay đổi trong chất lượng hàng hóa

Khi chất lượng của hàng hóa tăng đồng nghĩa với chất lượng cũng tăng tương ứng hoặc tăng hơn thì trên thực tế mức giá không tăng. Theo đó, CPI không phản ánh được sự thay đổi trong chất lượng hàng hóa, do đó nó có xu hướng phóng đại mức giá bởi chất lượng hàng hoá dịch vụ đều có xu hướng được nâng cao.

Ý nghĩa của chỉ số CPI trong nền kinh tế

Chỉ số CPI có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế, điều này thể hiện rõ cụ thể như sau:

  • CPI là một chỉ tiêu tương đối, phản ánh xu thế và mức độ biến động trong sinh hoạt của dân cư và các hộ gia đình của giá bán lẻ hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ dùng. Đây chính là lý do mà CPI được sử dụng để theo dõi sự thay đổi theo thời gian của chi phí sinh hoạt. Theo đó, khi chỉ số CPI tăng thì việc mức giá trung bình tăng và ngược lại.
  • Lạm phát hoặc giảm phát có thể xảy ra bởi sự biến động của chỉ số CPI, từ đó khiến cho cả một nền kinh tế suy sụp. Theo đó, lạm phát sẽ trở thành siêu lạm phát khi một nền kinh tế rơi vào tình trạng giá cả tăng tới mức không thể kiểm soát. 
  • Vai trò cơ bản và quan trọng nhất của chỉ số CPI chính là thước đo của lạm phát. Do đó, chỉ số CPI được sử dụng phổ biến nhất với vai trò này. 
  • CPI cung cấp cho chính phủ những thông tin về sự thay đổi giá cả trong nền kinh tế quốc gia đồng thời cũng cung cấp thông tin về những sự thay đổi giá cả cho doanh nghiệp, lao động và các nhà đầu tư. Từ những thông tin đó, các đối tượng này sẽ có những hoạch định cụ thể và đưa ra các quyết định kinh tế phù hợp.
  • Chỉ số CPI góp phần điều chỉnh các thành phần trong nền kinh tế đất nước. Theo đó, chính phủ một quốc gia sẽ có các chính sách điều chỉ giá cả thông qua các nghiên cứu về chỉ số giá tiêu dùng, từ đó có thể phòng tránh lạm phát xảy ra.
  • Chỉ số CPI là một công cụ được sử dụng để điều chỉnh giá trị của đồng đô la Mỹ. Trên thế giới, đồng đô la Mỹ là đồng tiền được lưu hành tại nhiều quốc gia. Giá trị và sản phẩm của rất nhiều quốc gia sẽ được quyết định trực tiếp bởi sự tăng giảm giá trị của đồng đô la, đặc biệt là đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu. Nhờ chỉ số CPI của các quốc gia trên thế giới việc tăng, giảm giá trị của đồng đô la sẽ được ổn định, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Theo đó, sức mua của đồng đô la sẽ giảm khi giá đô la tăng do giá trị sản phẩm đã tăng lên so với lúc cơ sở. 
  • Chỉ số CPI giúp điều chỉnh chi phí sinh hoạt và an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ sẽ sử dụng chỉ số giá tiêu dùng để nghiên cứu về chi phí sinh hoạt đã bỏ ra của người lao động từ đó điều chỉnh mức thu nhập hợp lý. Thậm chí, để nhằm mục đích ngăn chặn tự do lạm phát trong thuế xuất thì các nguồn lợi được hưởng từ an sinh xã hội cũng sẽ được xem xét qua chỉ số CPI.
Chỉ số CPI có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế

Chỉ số CPI có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế

Bên cạnh những ý nghĩa và vai trò trên đây thì vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định ở chỉ số giá tiêu dùng CPI như sau:

  • Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng chung của một quốc gia không thể phản ánh chi tiết chỉ số giá tiêu dùng của khu vực thành thị so với khu vực nông thôn, do chỉ số này không áp dụng cho tất cả các nhóm dân cư.
  • Đối với một số bộ phận nhỏ trong dân cư, chỉ số CPI không đưa ra được những ước tính chính thức.
  • Mặc dù chỉ số CPI đo lường cho chi phí sinh hoạt có điều kiện, tuy nhiên nó không đo lường được các khía cạnh ảnh hưởng đến mức sống.
  • Chỉ số CPI không xác định các yếu tố về xã hội và môi trường.
  • Theo đó, không phải lúc nào chênh lệch của chỉ số CPI giữa hai khu vực cũng sẽ phản ánh giá cả của sản phẩm giữa hai khu vực đó. Tức là, chỉ số giá tiêu dùng của một khu vực cao không có nghĩa là giá thành sản phẩm ở đó sẽ cao hơn so các khu vực khác.

Chỉ số CPI được ứng dụng trong thực tế như thế nào?

CPI được xem như một chỉ số kinh tế và sự phát triển của một nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chỉ số này. Do đó, việc tính toán và phân tích chỉ số CPI có thể mang lại cho nền kinh tế, chính phủ, doanh nghiệp nhiều hiệu quả tích cực. Thông qua đó, người tiêu dùng sẽ có sự chuẩn bị trước đối với những thay đổi về giá cả nền kinh tế.

Bên cạnh đó, CPI và tỷ lệ lạm phát còn có quan hệ mật thiết đối với nhau, cụ thể chỉ số CPI còn được sử dụng để làm thước đo mức độ lạm phát cho các yếu tố khác như doanh số bán lẻ, giá trị đồng tiền, thu nhập hàng giờ,…

Mặt khác, chính phủ có thể điều chỉnh thu nhập của người dân thông qua chỉ số này. Chính phủ cũng sẽ điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp với chỉ số CPI khi chỉ số này tăng. Theo đó, các chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng sẽ được tự động điều chỉnh bởi chỉ số giá tiêu dùng này.

Sự ảnh hưởng của chỉ số CPI đến nền kinh tế

Chỉ số CPI tăng hay giảm đều có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế của một quốc gia. Theo đó:

Chi số CPI giảm

Khi CPI giảm tức là giá các hàng hóa trong giỏ hàng tiêu chuẩn sẽ giảm. Lúc này, chi phí cho hoạt động tiêu dùng cũng sẽ giảm. Giả thiết đối với người có thu nhập thấp, nếu trong trường hợp này mức thu nhập vẫn không đổi thì chi phí sinh hoạt của họ sẽ ổn định và mức sống cũng sẽ nâng cao hơn.

Tuy nhiên đây chỉ là giả thiết khi thu nhập của người tiêu dùng không đổi tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy. Trên thực tế, đối với một khía cạnh nào đó thì việc giảm phát là tốt, chẳng hạn như khi dịch vụ internet phát triển thì giá tiền điện thoại sẽ giảm xuống, tuy nhiên giảm phát sẽ đồng nghĩa với việc bị cắt giảm nhân công, số người bị thất nghiệp tăng lên dẫn đến việc không đủ kinh phí chi tiêu cho gia đình kéo theo chất lượng cuộc sống giảm xuống.

Chỉ số CPI tăng

Chỉ số giá tiêu dùng tăng cũng đồng nghĩa với việc giá cả của các loại mặt hàng đều tăng, điều này khiến cho đời sống của người tiêu dùng bị tác động mạnh mẽ đến đặc biệt là với những người có thu nhập thấp, theo đó khi giá cả tăng sẽ khiến chi phí chi tiêu sinh hoạt tăng lên dù tiền lương, tiền công lao động vẫn không tăng, qua đó có thể sẽ làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn và vất vả hơn.

Đối với những người có thu nhập thấp tại khu vực thành thị, thu nhập của họ chủ yếu đến từ tiền lương, tiền công, trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm nhu cầu tiêu dùng tăng nên chi phí chi tiêu và sinh hoạt cũng tăng cao nhưng mức tiền lương vẫn không thay đổi, do đó, cuộc sống của họ sẽ dần trở nên khó khăn và vất vả hơn.

Mối quan hệ giữa chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát

Lạm phát là sự gia tăng theo thời gian của mức giá chung, mức giá chung bao gồm 2 phần: chỉ số giá tiêu dùng CPI và hệ số điều chỉnh GDP.

Nền kinh tế của một quốc gia đều bị tác động mạnh mẽ bởi cả lạm phát và giảm phát, theo đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chỉ số giá sản xuất (PPI) là 3 chỉ số mà khi đo lường tỷ lệ lạm phát thường căn cứ vào.

CPI và lạm phát

Như đã nói trên đây, chỉ số CPI và tỷ lệ lạm phát có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và CPI chính là một công cụ điển hình dùng để đo tỷ lệ lạm phát trong một khoảng thời gian nhất định của mỗi quốc gia. Theo đó:

  • Doanh nghiệp có thể xác định được tỷ lệ của sự lạm phát là tăng hay giảm thông qua biến động của chỉ số CPI từ đó tìm cách ngăn chặn sự lạm phát đó. Theo đó, nền kinh tế của mỗi quốc gia đều có thể bị tác động tiêu cực dù lạm phát có tăng hay giảm.
  • Lạm phát sẽ trở thành siêu lạm phát khi không thể kiểm soát được sự gia tăng của giá cả, điều này khiến cho đồng tiền mất giá và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, do chỉ số CPI chỉ thấy được cái nhìn tổng quan về mức tiêu dùng và sức mua của một nền kinh tế nên việc dựa vào chỉ số này để đo mức độ lạm phát là không thực sự chính xác.

Cập nhật mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2021

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tháng 12/2021 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,18% so với tháng trước và so với tháng 12/2020 là tăng 1,81% (khu vực thành thị giảm 0,2%; khu vực nông thôn giảm 0,16%).

Có 8 nhóm tăng giá và 3 nhóm giảm giá trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính.

– Tăng cao nhất là nhóm giao thông với 15,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá xăng dầu tăng 48,33%. Theo đó, giá xăng dầu trong nước tính đến ngày 25/12/2021 đã có 22 đợt điều chỉnh, trong đó giá xăng A95 tăng 6.820 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 7.040 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 5.200 đồng/lít.

– Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,5% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng so với cùng kỳ năm trước tăng 1,04% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 9,64% theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

Theo đó, trong tháng 12 lạm phát cơ bản tăng 0,16% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 0,67%. 

Chỉ số giá vàng tháng 12 tăng 0,25% so với tháng trước; so với tháng 12/2020 tăng 1%.

Còn chỉ số giá USD so với tháng trước là tăng 0,84% và giảm 0,58% so với tháng 12/2020.

Bên cạnh đó trong tháng 12/2021, do giá lương thực tăng 3,86% và nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,38% nên nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,51% so với cùng kỳ năm trước; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,07%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,12%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,24%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,42%.

Còn có 3 nhóm hàng giảm giá, bao gồm:

– Đối với nhóm giáo dục giảm 3,49% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn, giảm học phí trong học kỳ I năm học 2021-2022.

– Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,72% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

– Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,2% do sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 khiến cho giá du lịch trọn gói và giá khách sạn, nhà khách giảm xuống.

CPI tháng 12-2021

Theo Tổng cục thống kê, CPI tháng 12/2021 giảm do những nguyên nhân chính là do giá xăng dầu, giá gas trong tháng giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; tiếp tục được miễn, giảm học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tại nhiều địa phương.

Nhìn chung, trong năm 2021 chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,84% so với năm 2020, đây là mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016. Theo đó, tốc độ tăng CPI bình quân các năm từ 2016 – 2021 so với năm trước lần lượt là: 2,66%; 3,53%; 3,54%; 2,79%; 3,23%; 1,84%.

Về lạm phát, bình quân năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,81% so với năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,84%), điều này phản ánh chủ yếu là do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng khiến cho giá tiêu dùng bị biến động. Về cơ bản mức lạm phát năm 2021 so với năm trước là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá thế giới. Trong nước, chỉ số giá vàng bình quân năm 2021 tăng 8,67% so với năm trước.

Còn chỉ số giá USD bình quân năm 2021 giảm 0,97% so với năm trước.

Theo Tổng cục thống kê, trong năm 2021 có những yếu tố làm tăng CPI cũng như những nguyên nhân cơ bản làm giảm CPI như sau:

Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong năm 2021

– Trong năm 2021, giá xăng dầu trong nước có 22 đợt điều chỉnh, trong đó giá xăng A95 tăng 6.820 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 7.040 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 5.200 đồng/lít. Giá xăng dầu trong nước so với năm trước bình quân năm tăng 31,74%, làm tăng 1,14 điểm phần trăm CPI chung.

– Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Theo đó, giá bán lẻ gas trong nước được năm 2021 điều chỉnh tăng 9 đợt và giảm 3 đợt, so với năm 2020 bình quân năm 2021 gas tăng 25,89%, làm tăng 0,38 điểm phần trăm CPI chung.

– Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, trong dịp Lễ, Tết nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng và giá gạo năm 2021 tăng 5,79% so với năm 2020 do nhu cầu tích lũy của người dân trong thời gian giãn cách xã hội (làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm).

– Năm 2021, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,03% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm tăng 0,14 điểm phần trăm CPI chung.

– Năm 2021, do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ làm giá dịch vụ giáo dục tăng 1,87% so với năm 2020 (làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm).

Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong năm 2021

– So với năm 2020, giá các mặt hàng thực phẩm năm 2021 giảm 0,54%, làm CPI giảm 0,12 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 10,52% và 0,28% đối với giá thịt gà.

– Bình quân năm 2021, giá điện sinh hoạt giảm 0,89% so với năm 2020,tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm do Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý IV năm 2020 nhưng được thực hiện vào tháng 1/2021 và giảm giá điện, tiền điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại kỳ hóa đơn tháng 8, tháng 9/2021. 

– Giá vé máy bay năm 2021 so với năm trước giảm 21,15%; giá du lịch trọn gói giảm 2,32% do người dân hạn chế đi lại bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

– Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các giải pháp đồng bộ đã được các ngành các cấp tích cực triển khai thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ.

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2022

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2022

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê vừa thông báo cho thấy, so với tháng 12/2021 CPI tháng 1/2022 tăng 0,19% (khu vực thành thị tăng 0,2%; khu vực nông thôn tăng 0,19%). Tăng 1,94% so với cùng kỳ năm 2021; Về lạm phát cơ bản tháng 01/2022 tăng 0,66% và nguyên nhân của thực trạng này được phân tích do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao bởi tháng 01/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết cộng với giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới,…

So với tháng trước, CPI tháng 01/2022 tăng 0,19% (khu vực thành thị tăng 0,2%; khu vực nông thôn tăng 0,19%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 1 nhóm hàng giảm giá và 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn giữ ổn định.

Đáng chú ý, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón, giày dép, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình, giao thông, văn hóa, giải trí và du lịch, hàng hóa và dịch vụ khác, chỉ số giá vàng đều tăng. Chỉ riêng, giá đô la Mỹ giảm 0,32% do nguồn cung đảm bảo. Theo đó, tháng 01/2022 chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,32% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước giảm 0,73%.

Tốc độ tăng giảm CPI

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 01/2022 tăng 1,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 7 nhóm tăng giá và 4 nhóm giảm giá.

Theo đó, các nhóm hàng tăng giá bao gồm:

– Tháng 01/2022, tăng cao nhất là nhóm giao thông với 14,55% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,41 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 43,56% (Xăng A95 tăng 7.090 đồng/lít; xăng E5 tăng 7.290 đồng/lít) và giá dầu diezen tăng 5.860 đồng/lít.

– So với cùng kỳ năm trước, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 01/2022 tăng 3,51% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,23% theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

– Theo đó, chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm nên nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,75%.

– Bên cạnh đó trong tháng 01/2022, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép so với cùng kỳ năm trước tăng 0,88%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,22%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,57%.

Ở chiều ngược lại, có 4 nhóm hàng giảm giá bao gồm:

– Giảm 0,14% đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nguyên nhân do giá thực phẩm giảm 1,69% là chủ yếu.

– Nhóm giáo dục giảm 3,78% do miễn, giảm học phí trong học kỳ I năm học 2021-2022, tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Giảm 0,65% đối với nhóm bưu chính, viễn thông do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

– Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,11% do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến cho giá du lịch trọn gói và giá khách sạn, nhà khách giảm xuống.

Trong tháng 01/2022, lạm phát cơ bản tăng 0,26% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 0,66%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,94%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 năm 2022

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong tháng 02/2022 CPI tăng 1% so với tháng trước đó (cụ thể khu vực thành thị tăng 0,99%; khu vực nông thôn tăng 1,02%) và so với cùng kỳ 2021 tăng 1,42% và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Lạm phát cơ bản tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá; 1 nhóm hàng giảm giá.

Tốc độ tăng giảm CPI tháng 2-2022

Đáng chú ý, các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón, giày dép, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình, giao thông, văn hóa, giải trí và du lịch, hàng hóa và dịch vụ khác, chỉ số giá vàng,… đều tăng, chỉ riêng chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,28% do nguồn cung đảm bảo; so với cùng kỳ năm trước giảm 0.84%.

Cũng theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 02/2022 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,42%. Theo đó, có 8 nhóm tăng giá và 3 nhóm giảm giá.

Tốc độ tăng giảm CPI tháng 2-2022

Các nhóm hàng tăng giá bao gồm:

– Tăng cao nhất trong tháng 02/2022 là nhóm giao thông với 15,46% so với cùng kỳ năm trước, làm tăng 1,49 điểm phần trăm CPI chung, trong đó do từ tháng 2/2021 đến nay xăng A95 tăng 8.200 đồng/lít nên giá xăng dầu tăng 47,07%; xăng E5 tăng 8.500 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.960 đồng/lít.

– Đối với nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,21%, do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm là chủ yếu.

– Bên cạnh đó, trong tháng này nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,04%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,7%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,44%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,27%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,26%.

Ở chiều ngược lại, có 3 nhóm hàng giảm giá như sau:

– Nhóm giáo dục giảm 3,3% do được miễn, giảm học phí trong đại dịch từ học kỳ I năm học 2021-2022 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm nên nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,73%.

– Giảm 0,2% đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chủ yếu do giá thịt lợn giảm 21,75% bởi nguồn cung thịt lợn được đảm bảo.

Các yếu tố làm tăng CPI trong 2 tháng đầu năm 2022

– Có 4 đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong 2 tháng đầu năm 2022, điều này làm cho giá xăng A95 tăng 2.990 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.980 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.230 đồng/lít. Theo đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 2 tháng tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm tăng 1.63 điểm phần trăm CPI chung.

– Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas trong nước bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm điểm phần trăm CPI chung tăng 0.27 điểm.

– Cũng trong 2 tháng đầu năm 2022, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào nên giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở so với cùng kỳ năm trước tăng 7,77%, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

– Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, theo đó trong dịp Tết Nguyên đán khiến cho nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng cao từ đó làm cho giá gạo tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước trong 2 tháng đầu năm 2022, qua đó tác động làm CPI chung tăng 0.04 điểm phần trăm.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2022 giảm bởi những nguyên nhân chính sau: 

– Trong 2 tháng đầu năm 2022, giá các mặt hàng thực phẩm so với cùng kỳ năm trước giảm 1,75%, làm CPI giảm 0,37 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 21,89% và giảm 23,31% đối với mỡ ăn; theo đó giá thịt chế biến giảm 4,74%.

– Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022, điều này làm cho giá dịch vụ giáo dục giảm 4,36% qua đó làm CPI giảm 0,24 điểm phần trăm.

– So với cùng kỳ năm trước, giá thuê nhà ở giảm 16,36% do dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp nên nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà, qua đó làm giảm 0.08 điểm phần trăm CPI chung.

Ngoài ra, trong tháng 2/2022, lạm phát cơ bản tăng 0,49% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,68%. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2022 lạm phát cơ bản so với bình quân cùng kỳ năm 2021 bình quân tăng 0,67%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1.68%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2022

CPI tháng 3/2022 theo số liệu thống kê của tổng cục thống kê tăng 0,7% so với tháng trước, so với tháng 12/2021 tăng 1,91% và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

So với tháng trước, tăng 0,7% (trong đó khu vực thành thị tăng 0.75%; khu vực nông thôn tăng 0,66%). Đáng chú ý là trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; chỉ riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là giảm giá.

Tốc độ tăng giảm CPI tháng 3/2022 so với tháng trước

So với cùng kỳ năm trước, trong tháng 3/2022 CPI tăng 2,41% và có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá trong tổng 11 nhóm hàng tiêu dùng chính.

Tốc độ tăng giảm CPI tháng 3/2022 so với cùng kỳ năm trước

Theo đó, các nhóm hàng tăng giá bao gồm:

– Trong tháng 3/2022, giao thông là nhóm tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước với 18,29%, làm tăng 1.77 điểm phần trăm CPI chung, trong đó do từ tháng 3/2021 đến nay xăng A95 tăng 10.150 đồng/lít; xăng E5 tăng 10.480 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 9.390 đồng/lít, nên giá xăng dầu tăng 56,08%.

– Đối với nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,65% chủ yếu do trong dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng nên nhu cầu sử dụng tăng, bên cạnh đó chi phí vận chuyển tăng và giảm nguồn cung thuốc lá.

– Bên cạnh đó trong tháng 3/2022, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,7%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,44%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,01%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,52%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,31%.

Bên cạnh 9 nhóm tăng giá thì có 2 nhóm hàng giảm giá như sau:

– Theo đó, nhóm giáo dục do miễn, giảm học phí trong đại dịch từ học kỳ I năm học 2021-2022 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên giảm 3.21%.

– Đối với nhóm bưu chính, viễn thông, do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm nên giá của nhóm này giảm 0,58%.

Theo đó, trong tháng 3/2022 chỉ số giá đô la Mỹ so với tháng trước tăng 0,64%; so với cùng kỳ năm trước giảm 0,43%.

Còn lạm phát cơ bản tăng 0,29% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 1,09%.

So với tháng 12/2021, CPI tháng Ba tăng 1,91%, trong đó chỉ có nhóm bưu chính, viễn thông là giảm 0,06% con 10 nhóm hàng còn lại đều tăng giá. Theo đó:

– Tăng cao nhất trong tháng 3/2022 là nhóm giao thông với 8,53% so với tháng 12/2021, trong đó do có 6 đợt điều chỉnh tăng và 1 đợt điều chỉnh giảm từ tháng 12/2021 đến nay, nên giá xăng dầu tăng 23,21%, trong đó giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít so với tháng 12/2021; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít.

– Theo đó, trong tháng 3/2022, chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng cao nên so với tháng 12/2021 nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,49%.

– Bên cạnh đó, do giá nguyên liệu đầu vào và ăn uống ngoài gia đình tăng nên nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,27%.

– Còn nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 1% do trong dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý I/2022

Tính chung quý I/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm trước tăng 1,92%, cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020.

Thông tin này được khẳng định tại cuộc Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý I năm 2022 diễn ra sáng 29/3, tại Hà Nội của Tổng cục Thống kê. 

Tại Họp báo, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Trong tháng 3/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,7% so với tháng trước, so với tháng 12/2021 tăng 1.91% và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021 bởi những nguyên nhân chính như: Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát thì giá nhà ở thuê tăng trở lại. Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào,…

Theo đó, tính chung quý I/2022, CPI so với cùng kỳ năm trước tăng 1,92%, cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Số liệu thống kê chỉ rõ, CPI tháng 3/2022 tăng 0,7% (khu vực thành thị tăng 0.75%; khu vực nông thôn tăng 0,66%) so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2012. Theo đó, chỉ có riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là giảm giá còn 10 nhóm hàng còn lại đều tăng giá so với tháng trước trong tổng 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính.

Các yếu tố làm tăng CPI trong quý I năm 2022

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, các yếu tố làm tăng CPI trong quý I/2022 đó là:

– Trong quý I/2022, tổng cộng có 7 đợt điều chỉnh giá xăng dầu, điều này làm cho giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít. Giá xăng dầu trong nước, bình quân quý I/2022 tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm tăng 1,76 điểm phần trăm CPI chung.

– Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, trong quý I/2022 bình quân giá gas so với cùng kỳ năm trước tăng 21,04%, qua đó góp phần làm tăng 0,31 điểm phần trăm CPI chung.

– Bên cạnh đó, trong quý I/2022 do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, qua đó làm giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng lên 8,08% so với cùng kỳ năm trước, làm tăng 0,16 điểm phần trăm CPI chung.

– Giá gạo quý I năm nay tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và trong dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng cao, qua đó tác động làm tăng 0.03 điểm phần trăm CPI chung.

Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý I năm 2022

– Trong quý I/2022, giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,26 điểm phần trăm CPI chung, trong đó giá thịt lợn giảm 21,55%, mỡ ăn giảm 22,6% và giảm 4,63% giá thịt chế biến.

– Theo đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022, qua đó làm giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24%, giảm 0,23 điểm phần trăm làm CPI chung.

– Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà qua đó làm giá thuê nhà ở trong quý I/2022 giảm 15,14% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,07 điểm phần trăm.

Ngoài ra, trong báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ, khi lạm phát các quốc gia tăng cao và ảnh hưởng của chiến tranh giữa Nga – Ukraine kéo theo giá vàng trong nước biến động tăng cùng chiều với giá vàng thế giới. Theo đó, bình quân giá vàng thế giới tính đến ngày 25/3/2022 là ở mức 1.956,07 USD/ounce, so với tháng 2/2022 tăng 4.95%.

Trong tháng 3/2022, chỉ số giá vàng tăng 4,51% so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 9,36% do nhu cầu mua sắm vàng gia tăng. Bình quân quý I năm 2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,52%.

Đối với chỉ số giá USD, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên từ ngày 16/3/2022 sau hơn 3 năm lên mức 0,25%-0,5% trước áp lực lạm phát gia tăng. Theo đó, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 98,47 điểm trong tháng 3/2022, so với tháng trước tăng 2,58%.

Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do dao động ở mức 23.000 VND/USD. So với tháng trước, tháng 3/2022 chỉ số giá USD tăng 0,64%; so với cùng kỳ năm trước giảm 0,43%; chỉ số giá USD trong nước bình quân quý I/2022 giảm 0,67%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, so với tháng trước lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29%, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lạm phát cơ bản bình quân trong quý I/2022, tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, đến nay, về cơ bản mặt bằng giá trong nước vẫn được kiểm soát, tuy nhiên trong những tháng còn lại của năm 2022 áp lực lạm phát là khá lớn. Trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine còn phức tạp khiến cho diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh, điều này gây chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đặc biệt là chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân bị áp lực lớn bởi biến động của giá xăng dầu.

Kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các quý tiếp theo bởi sự tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, theo đó giá cả hàng hóa sẽ bị đẩy lên cao do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng. Bên cạnh đó, dù là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh thì vẫn không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới.

Theo bà Hương, tới đây sẽ tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt để nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra. 

Kết luận

Trên đây là các thông tin về chỉ số CPI là gì, ý nghĩa và cách tính chỉ số này cũng như những cập nhật mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay. Qua những nội dung này có thể thấy trong kinh tế vĩ mô, CPI là một chỉ số có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động, sự phát triển của một nền kinh tế. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc quan tâm đã trang bị được cho bản thân những kiến thức hữu ích về chỉ số này và có những cập nhật mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.

Tôi là Lan Anh - Biên tập viên phân tích tài chính, với 5 năm tìm hiểu về thị trường tài chính cũng như đầu tư. Rất hy vọng những kiến thức mà tôi học hỏi và tích lũy được có thể hỗ trợ, cung cấp đến các bạn những thông tin chính xác, tư vấn hỗ trợ xử lý các dịch vụ tài chính, đầu tư hiệu quả nhất!

dang-ky-dau-tu-nhat-nam

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY

[contact-form-7 id="567" title="Form đăng ký Nhật Nam"]

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC