Rửa tiền là gì? Hình phạt đối với hành vi rửa tiền tại Việt Nam

0
Tài chính

Rửa tiền là gì? Các hành vi thế nào thì bị coi là hành vi rửa tiền? Hình phạt đối với tội rửa tiền theo quy định hiện nay thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé.

Rửa tiền là gì?

Rửa tiền là gì

Rửa tiền (trong tiếng Anh là Money laundering) là hành vi tổ chức hay các cá nhân tìm cách chuyển đổi thành các tài sản hợp pháp từ các khoản lợi nhuận hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội. Theo Công ước Palermo năm 2000 của Liên Hợp Quốc, hành vi rửa tiền bao gồm 4 nhóm cơ bản như sau: “(I) Chuyển đổi hay chuyển giao tài sản do phạm tội mà có nhằm che đậy hoặc che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc nhằm giúp đỡ bất cứ người nào liên quan đến việc thực hiện một hành vi phạm tội để lẩn tránh những hậu quả pháp lý do hành vi hành vi của người đó gây ra; (II) Che đậy hoặc che dấu bản chất thực sự, nguồn gốc, địa điểm, việc chuyển nhượng, chuyển dịch hoặc quyền sở hữu hay những quyền đối với tài sản, dù biết rằng tài sản này do phạm tội mà có; (III) Giành được, sở hữu hoặc sử dụng tài sản, dù tại thời điểm nhận được tài sản, biết rằng đó là tài sản do phạm tội mà có; (IV) Tham gia, liên kết hay thông đồng thực hiện, nỗ lực thực hiện và hỗ trợ, xúi giục, tạo điều kiện và hướng dẫn thực hiện bất kỳ một hành vi phạm tội nào theo quy định của điều này”.

Ví dụ về rửa tiền 

Vào năm 2019, có một vụ án về rửa tiền từng gây xôn xao dư luận diễn ra xảy ra tại Địa ốc Alibaba.

Theo đó Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty CP địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt của 4.316 nạn nhân hơn 2.264 tỷ đồng. 

Sau khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản Luyện đã cho vợ là Võ Thị Thanh Mai giữ 49,5% cổ phần công ty và em trai là Nguyễn Thái Lực “rửa tiền” bằng cách dùng tiền lừa đảo chiếm đoạt để mua đất hoặc dùng tài khoản cá nhân để thực hiện việc chuyển nhận tiền sử dụng nhiều mục đích khác. 

Các hành vi được quy định là rửa tiền

Các hành vi được quy định là rửa tiền gồm:

– Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

– Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

– Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

– Thực hiện một trong các hành vi trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

– Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

– Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Các phương thức, thủ đoạn của tội phạm rửa tiền tại Việt Nam

Nhìn chung, hiện nay có bốn cách rửa tiền phổ biến như sau:

Thông qua sử dụng các hệ thống tài chính

Thông qua sử dụng các hệ thống tài chính

Một trong những phương thức chủ yếu của các đối tượng rửa tiền đó là chia nhỏ và chuyển các khoản tiền để nhằm mục đích tránh được sự chú ý của cơ quan chức năng về giao dịch cho giá trị lớn. Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các cá nhân hoặc tổ chức tài chính kinh doanh ngành nghề phi tài chính có chức năng gửi tiền, chuyển tiền nếu như muốn chuyển tiền giá trị lớn hơn 300.000.000 đồng ra nước ngoài thì phải có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Do đó, để tránh bị phát hiện các đối tượng thường chia nhỏ số tiền và thực hiện chuyển nhiều lần theo quy định hoặc thuê người khác chuyển tiền.

Thông qua hệ thống thương mại quốc tế

Ngày 25/9/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Văn Thắng, Phạm Anh Tuấn và đồng phạm về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền mặt qua biên giới”, theo quy định tại điều 189 BLHS. Theo kết quả điều tra được, Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty xuất nhập khẩu để làm ăn với nước ngoài, làm thủ tục tạm nhập tái xuất hàng hóa nhằm che đậy hành vi vận chuyển trái phép số tiền lên tới 30.000 tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài để nhằm che giấu hành vi phạm tội. Đây là một dạng dịch vụ chuyển tiền quốc tế bí mật bất hợp pháp, thu phí trên toàn bộ số tiền được chuyển với thủ đoạn giả mạo thanh toán cho các giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế. Có nghĩa là người phạm tội biến việc chuyển tiền bất hợp pháp thành hợp pháp, rửa sạch nguồn gốc số tiền vì nó được thực hiện dưới danh nghĩa thanh toán quốc tế qua ngân hàng. Số tiền này không nhất thiết phải xuất phát từ Việt Nam mà có thể  từ nước ngoài chuyển về rồi bằng hoạt động chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài. 

Bất động sản/Mua tài sản

Việc mua bất động sản hoặc các tài sản có giá trị lớn, có tính thanh khoản cao như túi xách hàng hiệu, kim cương, đồng hồ hàng hiệu,… cũng là một trong những phương thức chủ yếu của các đối tượng rửa tiền. 

Theo đó, các đối tượng sẽ mua đi bán lại tài sản nhiều lần ở nhiều địa điểm, gây khó khăn cho công tác truy vết nguồn gốc tài sản. Trong vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm tham ô tài sản xảy ra tại Công ty vận tải Viễn Dương Vinashin, đương sự Giang Kim Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển và người nhà mua cũng như đứng tên 40 bất động sản tại hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng…; mua bán, cho tặng bất động sản và mua đi bán lại 13 ô tô đứng tên Giang Văn Hiển để hợp pháp hóa số tiền khoảng 260 tỷ đồng,…

Thông qua tiền ảo

Thông qua tiền ảo

Thông qua tiền ảo là một phương thức rửa tiền còn rất mới và dường như công tác quản lý  về loại hình này của nhà nước còn đang lỏng lẻo. Tiền ảo hay còn gọi là tiền điện tử (Cryptocurrency) là một loại tài sản kỹ thuật được thiết kế để làm trao đổi trung gian như tiền thật như đồng Binance coin (BNC), Bitcoin (BTC),…

Theo báo cáo mới của Chainalysis, hiện nay về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa thì Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ước tính các nhà đầu tư Việt Nam đã kiếm được 0,4 tỷ USD trong năm 2020, nhờ đầu tư vào Bitcoin.

Tuy gọi là tiền ảo nhưng để có tiền ảo nhà đầu tư cần sử dụng tiền thật tại quốc gia của mình và thông qua các ứng dụng như Binance để mua số lượng tiền ảo tương đương theo giá trị chuyển đổi tại thời điểm đó. Đồng tiền ảo được công nhận và có thể được giao dịch mua bán ở một số quốc gia như Mỹ, Anh, Thụy Sỹ…

Tiền ảo như Bitcoin không được công nhận là tiền tệ cũng như không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại chưa có quy định nào hướng dẫn hoặc luật nào điều chỉnh về việc đầu tư mua bán tiền ảo. So với các phương thức truyền thống nói trên thì sử dụng tiền ảo để rửa tiền dễ dàng hơn rất nhiều và khả năng có thể truy vết rất hạn chế. Ví dụ, theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ thì tổ chức nhận tiền gửi phải có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nếu như muốn chuyển tiền giá trị lớn hơn 300.000.000 đồng ra nước ngoài. 

Tuy nhiên, sẽ không ai xác minh và kiểm soát nếu cá nhân sử dụng số tiền hơn 300.000.000 VND để mua tiền ảo thông qua ứng dụng Binance theo hình thức P2P (cá nhân với cá nhân). Sau khi chuyển đổi được, số tiền ảo này có thể tự do bán trên thị trường, đổi sang một ngoại tệ khác hoặc chuyển cho người khác mà không bị một tổ chức tài chính hay cơ quan chức năng nào giám sát. Hiện nay, tiền ảo nói chung và đồng Bitcoin nói riêng trở nên rất phổ biến bởi tính thanh khoản cao, phương thức giao dịch dễ dàng, không chịu các quy định về đóng thuế TNCN. Chính vì vậy, bởi tính ẩn danh và giao dịch xuyên biên giới rất nhanh chóng mà không lo sợ bị giám sát nên các đối tượng phạm tội cũng rất ưa dùng tiền ảo để rửa tiền.

Đối tượng cần rửa tiền là ai?

Đối tượng cần rửa tiền

Có thể xếp những người rửa tiền (ngoài các tổ chức khủng bố, một hiện tượng tương đối mới) làm ba nhóm như sau:

– Những người tham nhũng.

– Những người buôn lậu (ma túy, vũ khí, lao động bất hợp pháp…).

– Những người muốn tránh thuế, nói chung là những người muốn giữ kín thu nhập thật sự (dù là hợp pháp) của mình.

Tiền bẩn có thể đến từ các công ty đại chúng, chẳng hạn khi họ chuyển tiền từ quốc gia này sang quốc gia khác để trốn thuế. Có hai cách để làm việc này. Một là khai gian giá trị của các dịch vụ có bản chất là hợp pháp. Hai là kê khai (như trong hóa đơn) một dịch vụ hoàn toàn không có (kể cả việc thành lập công ty ma). Có lẽ nguồn kinh doanh là phản ánh tính toàn cầu hóa nhiều nhất trong các nguồn tiền cần rửa, mà một trong số những biểu hiện đó là việc khai man giá chuyển giao (transfer price) để trốn tránh thuế của các doanh nghiệp xuyên quốc gia.

Tất nhiên, ba nhóm trên không hoàn toàn biệt lập: tham nhũng, rửa tiền, và hoạt động kinh doanh bất chính có nhiều chỗ giống nhau, tiếp sức và cấu kết với nhau. 

Hậu quả của hành vi rửa tiền

Gián đoạn sự ổn định của kinh tế

Việc rửa tiền không những phá vỡ sự ổn định mà còn để lại cho toàn bộ nền kinh tế những mối nguy nghiêm trọng. Rửa tiền gây ảnh hưởng đến từng cá thể trong nền kinh tế, nhất là ở các nước mới nổi. Thậm chí, nó còn có thể tàn phá nền kinh tế của một đất nước bằng việc hợp pháp hóa tài sản có nguồn gốc từ các hoạt động phi pháp.

Thị trường tài chính – tiền tệ gặp nhiều bất ổn

Hành vi rửa tiền tạo ra sự lưu chuyển của các nguồn tiền tệ trong thế giới ngầm, dẫn đến nhu cầu về tiền tệ bị đột biến và sự biến động trong lãi suất cũng như tỷ suất hối đoái. Việc điều hành kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. 

Kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực

Rửa tiền gây nên những tác động tiêu cực đến xu hướng đầu tư. Tiền không rõ nguồn gốc không sẽ được đầu tư vào các tài sản mang tính chất che đậy thay vì các khoản đầu tư phát triển kinh tế. Những giao dịch ngầm này có thể làm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp trên thị trường bị suy giảm.

Hệ thống tài chính bị “giật dây”

Hệ thống tài chính có thể bị thao túng và kiểm soát bởi một nhóm tội phạm. Rửa tiền khiến ngân hàng bị mất uy tín, làm giảm chất lượng dịch vụ,… dẫn đến mất cân bằng cơ cấu nguồn vốn của hệ thống các ngân hàng nói chung.

Hình phạt đối với hành vi rửa tiền tại Việt Nam

Hình phạt đối với hành vi rửa tiền tại Việt Nam

Trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền đối với cá nhân

Căn cứ quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 324 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cá nhân phạm tội rửa tiền sẽ bị truy cứu Trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền cụ thể như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  1. a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ Sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
  2. b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
  3. c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
  4. d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
  5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
  6. a) Có tổ chức;
  7. b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  8. c) Phạm tội 02 lần trở lên;
  9. d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

  1. e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  2. g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
  3. h) Tái phạm nguy hiểm.
  4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
  5. a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
  6. b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
  7. c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
  8. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  9. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền đối với pháp nhân

Tại khoản 6 Điều 324 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về mức phạt đối với pháp nhân phạm tội rửa tiền cụ thể như sau:

“6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

  1. a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
  2. b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
  3. c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
  4. d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Hoạt động phòng chống rửa tiền hiện nay và định hướng phát triển

Trong suốt gần 20 năm qua việc chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố đã và đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chính vì vậy càng không thể đứng bên lề cuộc chiến chống rửa tiền của các quốc gia và tổ chức quốc tế.

Hoạt động phòng chống rửa tiền hiện nay

Hoạt động phòng chống rửa tiền hiện nay

Trung tâm thông tin chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được thành lập ngày 08/7/2005 theo Quyết định số 1002/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam để nhằm mục tiêu phòng chống rửa tiền. Căn cứ theo Quyết định số 1002/QĐ-NHNN, từ 01/8/2005 Trung tâm thông tin chống rửa tiền thuộc NHNN chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, Trung tâm đã nhận được khoảng 20 báo cáo về các giao dịch tình nghi là rửa tiền. Tuy nhiên, vẫn chưa có một vụ nghi vấn nào được kết luận là hành vi rửa tiền. Vậy tại Việt Nam chưa có hành vi rửa tiền? Hoàn toàn không phải vậy. Tại Việt Nam, các giao dịch về tài chính chủ yếu là tiền mặt trao tay, ít dùng các công nghệ thanh toán như các nước trên thế giới. Điều này khiến cho việc kiểm tra hoạt động rửa tiền gần như không thể thực hiện.

Theo đó, vụ án rửa tiền xuyên quốc gia đầu tiên ở Việt Nam đã được phát hiện vào tháng 10/2008, xác định rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ tiền phạm pháp và bắt được đối tượng phạm tội là người nước ngoài. Bọn tội phạm đánh cắp từ một tài khoản có uy tín tại nước ngoài và chuyển vào Việt Nam tại 2 chi nhánh ngân hàng thương mại tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Đà Nẵng. Ngày 24/9, đối tượng tên Baggio Carlitos Linska (quốc tịch Mozambique), kẻ đã mở tài khoản và rút hơn 4,1 tỷ đồng tại Đà Nẵng đã bị bắt tạm giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Cùng lúc, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (PA17) Công an Đà Nẵng bắt tạm giữ khẩn cấp đối với Massamba Lendebe Elvis (quốc tịch Mozambique) tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Riêng đối tượng Niaty Lokassa Djamba (quốc tịch Congo) – kẻ đã mở tài khoản và được chuyển số tiền trên 3,34 tỷ đồng tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã bỏ trốn.

Định hướng phát triển

Hoạt động phòng chống rửa tiền hiện nay cần phải theo định hướng phát triển sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống rửa tiền theo tiêu chuẩn quốc tế

Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (LHQ) đã công bố ấn phẩm “An overview of the UN conventions and the international standards concerning anti-money laundering legislation” vào tháng 2/2004. Ấn phẩm này tổng hợp và hệ thống hóa các quy định của các công ước Liên hợp quốc và những tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến phòng, chống rửa tiền theo 16 nhóm chủ đề bao gồm: các định nghĩa về tài chính, lưu giữ thông tin, báo cáo, nhận diện khách hàng,… Bên cạnh đó, trong tài liệu này còn có các Chỉ thị (Directive) của Nghị viện châu  u, các khuyến nghị (recommendations) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền (FATF). Đến tháng 1/2007, ấn phẩm này đã được cập nhật những quy định mới của Hội đồng Châu Âu. Trong số 40 Khuyến nghị của FATF mà Việt Nam phải tuân thủ có Khuyến nghị số 1 và số 2, trong đó nêu rõ việc hình sự hóa hành vi rửa tiền phải phù hợp với các tiêu chuẩn được công bố trong Công ước Viên và Công ước Palermo. Đối chiếu yêu cầu hình sự hóa của Công ước Viên, Công ước Palermo và khuyến nghị của FATF, Việt Nam đã hình sự hóa nhiều hành vi rửa tiền, nhưng vẫn còn phải bổ sung các tội danh mới vào BLHS cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về công tác chống rửa tiền và tài trợ khủng bố như tội thao túng thị trường, tội giao dịch nội gián, tội tài trợ khủng bố, tội đưa người nhập cư bất hợp pháp, tội buôn người (BLHS năm 1999 chỉ có tội buôn bán phụ nữ (Điều 119), tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120)).

Thứ hai, xây dựng cơ quan tình báo tài chính (Financial Intelligence Unit-FIU) với chức năng và vai trò theo khuyến nghị số 26 của FATF

Hiện nay, Trung tâm thông tin chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ là cơ quan ngang bộ – theo quy định tại Điều 1 của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997 và Điều 1 Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chưa có vị trí độc lập như các cơ quan tình báo tài chính của các quốc gia khác. 

Thứ ba, phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đây là một vấn đề khó khăn, tuy nhiên Việt Nam phải từng bước thực hiện. Việc phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt xứng đáng là một đề tài nghiên cứu khoa học được đặt ra.

Kết luận

Trên đây là một số thông tin về rửa tiền mà Đầu tư Tiết kiệm muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng qua bài viết này bạn đọc quan tâm đã hiểu rõ hơn về rửa tiền cũng như những hậu quả nghiêm trọng của hành vi này. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Chúc bạn thành công.

Tôi là Lan Anh - Biên tập viên phân tích tài chính, với 5 năm tìm hiểu về thị trường tài chính cũng như đầu tư. Rất hy vọng những kiến thức mà tôi học hỏi và tích lũy được có thể hỗ trợ, cung cấp đến các bạn những thông tin chính xác, tư vấn hỗ trợ xử lý các dịch vụ tài chính, đầu tư hiệu quả nhất!

dang-ky-dau-tu-nhat-nam

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY

[contact-form-7 id="567" title="Form đăng ký Nhật Nam"]

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC