Nghiệp vụ thị trường mở là gì? Quy trình và nghiệp vụ của thị trường mở

0
Tài chính

Nghiệp vụ thị trường mở là một yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường. Hiện nay, việc mua bán giấy tờ có giá giữa ngân hàng Nhà nước và các thành viên trong nghiệp vụ thị trường mở diễn ra rất sôi động và phổ biến. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về nghiệp vụ thị trường mở là gì, cơ chế hoạt động, vai trò cũng như quy trình hoạt động nghiệp vụ thị trường mở. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

Nghiệp vụ thị trường mở là gì?

Nghiệp vụ thị trường mở là gì?

Nghiệp vụ thị trường mở là gì?

Nghiệp vụ thị trường mở được định nghĩa tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư 42/2015/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 09/2021/TT-NHNN như sau: 1. Nghiệp vụ thị trường mở là việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua, bán giấy tờ có giá với các thành viên.”

Nghiệp vụ thị trường mở trong tiếng Anh là: Open Market Operations – OMO

Thị trường mở tại Việt Nam do ban Điều hành nghiệp vụ thị trường mở trực thuộc Ngân hàng Nhà nước điều hành. Theo đó, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban điều hành nghiệp vụ thị trường mở như sau:

  • Điều hành nghiệp vụ thị trường mở
  • Ban điều hành nghiệp vụ thị trường mở sẽ quyết định định hướng Điều hành nghiệp vụ thị trường mở trong từng thời kỳ
  • Trong quá trình Điều hành nghiệp vụ thị trường mở nếu có vấn đề phát sinh thì sẽ do Ban điều hành nghiệp vụ thị trường mở xử lý.

Thị trường mở ở Việt Nam ra đời năm nào?

Nghiệp vụ thị trường mở đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu nhưng mới chính thức được triển khai theo Quyết định số 340/1999/QĐ-NHNN14 ngày 30/9/1999 về việc phê duyệt đề án triển khai nghiệp vụ thị trường mở của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. 

Theo đó, mục tiêu ban đầu được đặt ra thông qua đề án triển khai nghiệp vụ thị trường mở như sau:

  • Là một trong những công cụ của chính sách tiền tệ, thực hiện việc mua hoặc bán các loại giấy tờ có giá ngắn hạn giữa Ngân hàng Nhà nước Trung ương với các tổ chức tín dụng.
  • Ngân hàng Trung ương có thể chủ động điều tiết vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động của nghiệp vụ thị trường mở và kiểm soát lãi suất để nhằm thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ thông qua việc mua hoặc bán các chứng từ có giá ngắn hạn.

Nội dung hoạt động của nghiệp vụ thị trường mở:

  • Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc mua hoặc bán các giấy tờ có giá ngắn hạn với các tổ chức tín dụng dựa trên yêu cầu trong từng thời kỳ của điều hành chính sách tiền tệ cũng như tình hình thừa hoặc thiếu vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng. Theo đó, việc mua hoặc bán các giấy tờ có giá giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng được thực hiện tại Sở Giao dịch ngân hàng Nhà nước, theo phương thức đấu thầu.

Đặc điểm của nghiệp vụ thị trường mở

Thông thường có 2 loại nghiệp vụ thị trường mở của Nhà nước như sau:

  • Mua bán giấy tờ có giá dài hạn
  • Mua bán giấy tờ có giá ngắn lại

Tại Mỹ, nghiệp vụ thị trường mở thường được thực hiện với trái phiếu chính phủ dài hạn. Còn nghiệp vụ thị trường mở tại Việt Nam được thực hiện với các loại giấy tờ có giá bằng hình thức mua, bán ngắn hạn thông qua hình thức đấu thầu.

Căn cứ theo Thông tư 09/VBHN-NHNN quy định về nghiệp vụ mở, các loại giấy tờ có giá được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận giao dịch nghiệp vụ thị trường mở phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  1.  Có thể chuyển nhượng và nằm trong danh Mục các loại giấy tờ có giá được giao dịch qua nghiệp vụ thị trường mở;
  2.  Quyền sở hữu hợp pháp thuộc về các thành viên;
  3.  Đồng tiền phát hành là bằng đồng Việt Nam;
  4.  Trước khi đăng ký bán giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước cần lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước hoặc tại tài Khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam;
  5.  Trong giao dịch mua, bán thời hạn còn lại của giấy tờ có giá phải có kỳ hạn lớn hơn thời hạn giao dịch mua, bán có kỳ hạn theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước; Trước ngày đăng ký cuối cùng thanh toán lãi và gốc giấy tờ có giá đáo hạn thì các giấy tờ có giá này mới được đăng ký bán.

Các loại giấy tờ có giá được phép mua bán trong nghiệp vụ thị trường mở

Các loại giấy tờ có giá được phép mua bán trong nghiệp vụ thị trường mở

Theo đó, trong nghiệp vụ thị trường mở bao gồm các loại giấy tờ có giá được phép mua bán trong các giao dịch với Ngân hàng Nhà nước như sau:

– Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;

– Trái phiếu Chính phủ, bao gồm:

  • Tín phiếu Kho bạc
  • Trái phiếu Kho bạc
  • Trái phiếu công trình Trung ương
  • Công trái xây dựng Tổ quốc
  • Trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Qũy Hỗ trợ phát triển) được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành.

– Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, bao gồm: 

  • Trái phiếu được phát hành bởi Ngân hàng Phát triển Việt Nam và được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn.
  • Trái phiếu được phát hành bởi Ngân hàng Chính sách xã hội và được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn.

– Trái phiếu Chính quyền địa phương được phát hành bởi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

– Riêng đối với giao dịch mua có kỳ hạn. Ngân hàng Nhà nước chỉ giao dịch đối với:

  • Công trái xây dựng Tổ quốc
  • Trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn
  • Trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành.

Các chủ thể tham gia thị trường mở bao gồm những ai?

Các thành viên trên thị trường rất đa dạng và tham gia với những mục đích khác nhau. Nhìn chung, trong các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở nếu mọi nhà đầu tư thỏa mãn những tiêu chuẩn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước thì đều có thể là đối tác giao dịch với Ngân hàng Nhà nước.

Thông thường, thành viên và đối tác của Ngân hàng Nhà nước bao gồm:

Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước chính là đơn vị tổ chức, xây dựng và vận hành hoạt động của thị trường mở theo các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Đồng thời, đối với việc sử dụng các loại hình nghiệp vụ thị trường mở là do Ngân hàng Nhà nước quyết định lựa chọn cũng như tần suất sử dụng nghiệp vụ thị trường mở.

Theo đó, để tác động đến việc dự trữ của hệ thống ngân hàng đồng thời tác động đến lãi suất thị trường theo mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia thị trường mở thông qua việc giao dịch mua bán các giấy tờ có giá như tín phiếu ngân hàng Nhà nước, trái phiếu chính phủ,…

Trong những trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước cũng là tổ chức được quyền can thiệp thị trưởng để kiểm soát tiền tệ, đảm bảo đủ phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng cũng như đảm bảo nhu cầu tín dụng của nền kinh tế bằng cách thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng.

Do đó, mục đích mà Ngân hàng Nhà nước tham gia vào thị trường mở không phải vì kinh doanh mà để quản lý và điều tiết thị trường giúp chính sách tiền tệ thực hiện theo các mục tiêu xác định của nó.

Ngân hàng Nhà nước là đơn vị tổ chức, xây dựng và vận hành hoạt động của thị trường mở

Ngân hàng Nhà nước là đơn vị tổ chức, xây dựng và vận hành hoạt động của thị trường mở

Các thành viên của Ngân hàng Nhà nước

Bao gồm: Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng (ngoại trừ tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân) và được công nhận là thành viên nghiệp vụ thị trường mở bởi Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân) được công nhận là thành viên nghiệp vụ thị trường mở khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 5, Thông tư 42/2015/TT-NHNN như sau: 

  • Có tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước;
  • Được Ngân hàng Nhà nước cấp mã ngân hàng.

Các đối tác của Ngân hàng Nhà nước 

Bao gồm:

Các ngân hàng thương mại

Các ngân hàng thương mại là thành viên chủ yếu tham gia nghiệp vụ thị trường mở của ngân hàng Nhà nước và xét trên 2 phương diện độ tin cậy và tính hiệu quả thì ngân hàng thương mại cũng là đối tác quan trọng của ngân hàng Nhà nước.

Mục đích mà các ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường mở là nhằm điều hoà vốn khả dụng để đảm bảo khả năng thanh toán và hưởng lãi từ việc đầu tư các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi.

Xét trên góc độ hiệu quả chính sách tiền tệ thì sự tham gia của các ngân hàng thương mại có ý nghĩa quan trọng trong các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở bởi ngân hàng thương mại chính là trung gian tài chính lớn nhất cũng như có mạng lưới hoạt động rộng.

Trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngân hàng thương mại đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển; Theo đó, ngân hàng thương mại vừa là người đi vay, vừa là người cho vay trên thị trường tiền tệ.

Các tổ chức tài chính phi ngân hàng

Các tổ chức tài chính phi ngân hàng tại một số quốc gia cũng được phép tham gia vào nghiệp vụ thị trường mở. Theo đó, các công ty bảo hiểm, công ty tài chính, quỹ đầu tư, hội tiết kiệm… coi thị trường mở như là nơi kiếm thu nhập để mua bán các giấy tờ có giá thông qua việc sử dụng vốn nhàn rỗi.

Các nhà giao dịch trung gian

Các nhà giao dịch sơ cấp như các ngân hàng trung ương, công ty chứng khoán, công ty tài chính, họ tham gia vào nghiệp vụ thị trường mở với tư cách là người trung gian trong việc mua bán các giấy tờ có giá giữa ngân hàng trung ương và các đối tác khác. Trên thực tế, 70% giao dịch can thiệp của ngân hàng trung ương trên thị trường mở ở nhiều nước được thực hiện thông qua các nhà giao dịch sơ cấp.

Khi đó, ngân hàng trung ương chỉ thực hiện mua bán giấy tờ có giá với các nhà giao dịch sơ cấp. Theo đó, để thực hiện được vai trò này, các nhà giao dịch sơ cấp phải đáp ứng được yêu cầu quy định của ngân hàng trung ương như có nguồn vốn đủ mạnh và trong tất cả các phiên đấu thầu tín phiếu kho bạc phải sẵn sàng thực hiện vai trò người tạo lập thị trường.

Tại các nước có hoạt động nghiệp vụ thị trường mở chưa phát triển thì chưa có sự tham gia của các nhà giao dịch trung gian. Khi tham gia trên thị trường mở, các thành viên phải đáp ứng đủ điều kiện quy định của ngân hàng trung ương như: Có tiền gửi tại ngân hàng trung ương có mạng kết nối với ngân hàng trung ương để thực hiện giao dịch.

Cơ chế hoạt động của thị trường mở

Phương thức mua bán giấy tờ có giá

– Để mua hoặc bán giấy tờ có giá, bao gồm 4 phương thức như sau:

  • Mua có kỳ hạn: Là việc các giấy tờ có giá được Ngân hàng Nhà nước mua từ thành viên cũng như nhận quyền sở hữu giấy tờ có giá từ thành viên này, đồng thời thành viên cam kết sau một thời gian nhất định sẽ mua lại giấy tờ có giá đó.
  • Bán có kỳ hạn: Là việc Ngân hàng Nhà nước bán cho thành viên các giấy tờ có giá cũng như chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá cho thành viên, đồng thời cam kết sau một thời gian nhất định sẽ mua lại giấy tờ có giá đó.
  • Mua hẳn: Là việc các giấy tờ có giá được Ngân hàng Nhà nước mua và nhận quyền sở hữu từ thành viên, không kèm theo cam kết bán lại giấy tờ có giá.
  • Bán hẳn: Là việc Ngân hàng Nhà nước bán các và chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá cho thành viên, không kèm theo cam kết mua lại.

Có 4 phương thức mua bán giấy tờ có giá

Có 4 phương thức mua bán giấy tờ có giá

Phương thức đấu thầu giấy tờ có giá

Căn cứ theo Thông tư 09/VBHN-NHNN quy định về nghiệp vụ thị trường mở, có 2 phương thức đấu thầu giấy tờ có giá bao gồm: đấu thầu khối lượng và đấu thầu lãi suất. Cụ thể:

Đấu thầu khối lượng

Là việc xét thầu trên cơ sở khối lượng giấy tờ có giá dự thầu của các thành viên, khối lượng giấy tờ có giá mà Ngân hàng Nhà nước cần mua hoặc bán và lãi suất sẽ do Ngân hàng Nhà nước thông báo. Theo đó:

– Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo cho các thành viên về mức lãi suất khi mua hoặc bán giấy tờ có giá;

– Trong thông báo đấu thầu của từng phiên giao dịch nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định thông báo về khối lượng giấy tờ có giá mà Ngân hàng Nhà nước cần mua hoặc bán hay không;

– Đối với khối lượng các loại giấy tờ có giá mà thành viên đăng ký dự thầu cần mua hoặc bán phải theo mức lãi suất Ngân hàng Nhà nước thông báo;

– Trong trường hợp, tổng khối lượng dự thầu mà các thành viên đăng ký bằng hoặc thấp hơn so với khối lượng giấy tờ có giá mà Ngân hàng Nhà nước cần mua hoặc bán thì khối lượng trúng thầu bằng tổng khối lượng dự thầu của các thành viên và khối lượng trúng thầu của từng thành viên là khối lượng dự thầu của thành viên đó;

– Trường hợp các thành viên đăng ký tổng khối lượng dự thầu vượt quá so với khối lượng giấy tờ có giá mà Ngân hàng Nhà nước cần mua hoặc bán thì khối lượng trúng thầu của từng thành viên được phân bổ theo tỷ lệ thuận với khối lượng dự thầu của từng thành viên và tương ứng với khối lượng giấy tờ có giá tính theo mệnh giá được làm tròn xuống theo bội số của mệnh giá giấy tờ có giá; Khối lượng trúng thầu bằng tổng khối lượng trúng thầu của các thành viên và không vượt khối lượng giấy tờ có giá mà Ngân hàng Nhà nước cần mua hoặc bán của;

Trường hợp đăng ký nhiều loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán tại đơn dự thầu của thành viên trúng thầu:

+ Nếu tại mỗi phiên giao dịch nghiệp vụ thị trường mở không bao gồm các loại giấy tờ có giá mà Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ giao dịch thì từng loại giấy tờ có giá sẽ được Ngân hàng Nhà nước xét thầu và xác định thứ tự ưu tiên như sau:

  • Thời hạn còn lại của các giấy tờ có giá ngắn hơn;
  • Giấy tờ có giá có khối lượng đăng ký bán hoặc mua lớn hơn

+ Nếu bao gồm các loại giấy tờ có giá có quy định tỷ lệ giao dịch và không quy định tỷ lệ giao dịch, Ngân hàng Nhà nước sẽ dựa theo nguyên tắc tỷ lệ các loại giấy tờ có giá trúng thầu tương ứng với tỷ lệ giao dịch của các giấy tờ có giá đăng ký tại đơn dự thầu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để xét thầu.

Trong số giấy tờ có giá không quy định tỷ lệ giao dịch và giấy tờ có giá có quy định tỷ lệ giao dịch, việc xác định thứ tự ưu tiên xét thầu sẽ được thực hiện theo quy định đã nêu ở trên.

Đấu thầu lãi suất

– Trong thông báo đấu thầu của từng phiên giao dịch nghiệp vụ thị trường mở, ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định về việc có khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán của Ngân hàng Nhà nước hay không;

– Việc áp dụng phương thức xét thầu đơn giá hoặc đa giá cũng sẽ do Ngân hàng Nhà nước quyết định;

– Thành viên đăng ký dự thầu theo các mức lãi suất (trong một đơn dự thầu, tối đa là 3 mức lãi suất dự thầu đối với một kỳ hạn mua/bán giấy tờ có giá) và khối lượng giấy tờ có giá cần mua, cần bán của thành viên tương ứng với các mức lãi suất đó. Theo đó, lãi suất dự thầu được tính theo tỷ lệ %/năm và được làm tròn đến 2 con số sau dấu phẩy;

– Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua giấy tờ có giá, các đơn dự thầu của các thành viên được xếp theo thứ tự lãi suất dự thầu giảm dần hoặc trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán giấy tờ có giá thì các đơn dự thầu của các thành viên được xếp theo thứ tự lãi suất dự thầu tăng dần;

– Ngân hàng nhà nước sẽ xét thầu theo thứ tự giảm dần từ mức lãi suất dự thầu cao nhất cho đến mức lãi suất dự thầu thấp nhất trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua giấy tờ có giá hoặc trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán giấy tờ có giá thì sẽ xét thầu theo thứ tự tăng dần từ lãi suất dự thầu thấp nhất cho đến lãi suất dự thầu cao nhất trong phạm vi lãi suất xét thầu tối thiểu hoặc tối đa của Ngân hàng Nhà nước mà tại đó đạt được khối lượng giấy tờ có giá mà Ngân hàng Nhà nước cần mua hoặc bán:

+  Đối với phương thức xét thầu đơn giá: Theo đó, trong phạm vi lãi suất xét thầu tối thiểu hoặc tối đa của Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất trúng thầu là lãi suất dự thầu thấp nhất (trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua giấy tờ có giá) hoặc lãi suất dự thầu cao nhất (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán giấy tờ có giá) mà tại đó đạt được khối lượng giấy tờ có giá mà Ngân hàng Nhà nước cần mua hoặc bán;

+  Đối với phương thức xét thầu đa giá: Các mức lãi suất dự thầu của mỗi thành viên là lãi suất trúng thầu của thành viên đó;

–  Khối lượng trúng thầu của các thành viên trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua giấy tờ có giá là khối lượng của các mức dự thầu có lãi suất bằng và cao hơn mức lãi suất trúng thầu hoặc có lãi suất dự thầu bằng và thấp hơn lãi suất trúng thầu đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán giấy tờ có giá;

– Trường hợp tại mức lãi suất trúng thầu, thì khối lượng trúng thầu của từng thành viên được phân bổ tỷ lệ thuận với khối lượng dự thầu của từng thành viên tại mức lãi suất trúng thầu và tương ứng với khối lượng giấy tờ có giá tính theo mệnh giá được làm tròn xuống theo bội số của mệnh giá giấy tờ có giá nếu tổng khối lượng dự thầu của các thành viên vượt quá khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán còn lại của Ngân hàng Nhà nước;

 – Trường hợp có nhiều loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán tại mức lãi suất trúng thầu của một thành viên thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xét thầu và xác định theo thứ tự từng loại giấy tờ có giá như quy định đã được nêu ở trên.

Lưu ý:

– Ngân hàng Nhà nước lựa chọn phương thức đấu thầu phù hợp dựa trên mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ;

– Theo đó, tại mỗi phiên đấu thầu Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ áp dụng một trong 2 phương thức đấu thầu này.

Nghiệp vụ thị trường mở có vai trò như thế nào?

Tại Việt Nam, nghiệp vụ thị trường mở đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thị trường tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết linh hoạt được cán cân thanh toán, đảm bảo khả năng thanh khoản và an toàn hệ thống TCTD, kiểm soát lạm phát ở mức ổn định, đảm bảo giá trị của Việt Nam đồng trên thị trường tiền tệ quốc tế thông qua nghiệp vụ thị trường mở, qua đó góp phần tích cực trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội đã đặt ra của Quốc hội và Chính phủ.

Nghiệp vụ thị trường mở đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thị trường tiền tệ

Nghiệp vụ thị trường mở đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thị trường tiền tệ

– Thị trường mở cũng tạo điều kiện sử dụng nguồn nhàn rỗi hiệu quả hơn cho các tổ chức tín dụng đồng thời giúp đa dạng các nghiệp vụ kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Nhờ đó mà các tổ chức tín dụng còn sử dụng vốn để mua bán các giấy tờ có giá chứ không chỉ đơn thuần thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh truyền thống như cho vay, thẻ, bảo lãnh,…

– Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động điều hành chính sách tiền tệ khi thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc điều tiết cung cầu về vốn ngắn hạn cho các tổ chức tín dụng.

– Bên cạnh đó, còn giúp ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu về điều hành chính sách tiền tệ trong tương lai ra ngoài thị trường đồng thời hạn chế những biến động của lãi suất bằng cách đưa ra những định hướng về lãi suất thị trường.

– Ngân hàng Nhà nước có thể là chủ động điều tiết vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động của nghiệp vụ thị trường mở và kiểm soát lãi suất thông qua việc mua/bán các chứng từ có giá ngắn hạn, nhằm thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

– Tại Việt Nam, thị trường tiền tệ hiện nay đang ở giai đoạn đầu, do đó cần phải sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ để bổ trợ lẫn nhau như chính sách lãi suất, dự trữ bắt buộc, tỷ giá, tái cấp vốn. Trước mắt, công cụ nghiệp vụ thị trường mở sẽ hỗ trợ cho các công cụ này, sau này có thể sẽ thay thế dần công cụ tái cấp vốn vào giai đoạn thích hợp.

Quy trình nghiệp vụ thị trường mở

Bước 1: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhu cầu tham gia nghiệp vụ thị trường mở gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện Giấy đề nghị tham gia nghiệp vụ thị trường mở theo Phụ lục số 01/TTM đính kèm Thông tư 09/VBHN-NHNN đến Ngân hàng Nhà nước để được xem xét cấp Giấy công nhận thành viên nghiệp vụ thị trường mở.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị tham gia nghiệp vụ thị trường mở của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nếu đủ điều kiện tham gia vào nghiệp vụ thị trường mở thì Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc cấp Giấy công nhận thành viên nghiệp vụ thị trường mở hoặc nếu không đủ điều kiện tham gia cũng sẽ có văn bản trả lời cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bước 2: Thông tin đấu thầu giấy tờ có giá sẽ được Ngân hàng Nhà nước thông báo hoặc thông báo bán giấy tờ có giá trên mạng. Theo quy định thì Ngân hàng Nhà nước thông báo mua hoặc bán giấy tờ có giá cho các thành viên trước mỗi phiên đấu thầu nghiệp vụ thị trường mở, theo nội dung cơ bản như sau:

  • Ngày đấu thầu.
  • Phương thức đấu thầu.
  • Phương thức xét thầu.
  • Phương thức mua, bán giấy tờ có giá.
  • Khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán tính theo giá thanh toán hoặc tính theo mệnh giá (ngoại trừ trường hợp không thông báo trước khối lượng giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước cần mua hoặc bán).
  • Các loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán.
  • Tỷ lệ giao dịch của các loại giấy tờ có giá (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua).
  • Kỳ hạn của giấy tờ có giá.
  • Ngày phát hành của giấy tờ có giá (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán).
  • Phương thức thanh toán lãi của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán).
  • Ngày đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán).
  • Thời hạn còn lại của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán).
  • Thời hạn mua, bán (số ngày).
  • Lãi suất áp dụng khi mua hoặc bán của Ngân hàng Nhà nước (trường hợp đấu thầu khối lượng).
  • Lãi suất phát hành của giấy tờ có giá trên thị trường sơ cấp (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán).
  • Thời gian nhận đơn dự thầu của thành viên.
  • Thời gian đóng thầu.

Theo đó, để đảm bảo đã nắm được các thông tin quan trọng về đợt đấu thầu thì thành viên cần xác thực thông báo. Ngân hàng Nhà nước và thành viên ký, giao, nhận Hợp đồng khung mua/bán giấy tờ có giá.

Bước 3: Các thành viên sẽ căn cứ theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước về mua, bán giấy tờ có giá mà tiến hành nộp đơn dự thầu đăng ký mua hoặc bán giấy tờ có giá qua mạng máy vi tính kết nối với Ngân hàng Nhà nước, theo đó đơn dự thầu đăng ký mua hoặc bán giá gồm có những nội dung cơ bản như sau:

  • Các loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán
  • Kỳ hạn của giấy tờ có giá
  • Khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán tính theo giá thanh toán hoặc tính theo mệnh giá
  • Các mức lãi suất dự thầu của từng loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán (trường hợp đấu thầu lãi suất)
  • Ngày phát hành của giấy tờ có giá (trường hợp thành viên bán)
  • Phương thức thanh toán lãi của giấy tờ có giá (trường hợp thành viên bán)
  • Ngày đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá (trường hợp thành viên bán)
  • Thời hạn còn lại của giấy tờ có giá (trường hợp thành viên bán)
  • Phương thức mua hoặc bán
  • Thời hạn mua, bán (số ngày)
  • Lãi suất của giấy tờ có giá phát hành trên thị trường sơ cấp (trường hợp thành viên bán).

Bước 4: Sau khi các thành viên nộp đơn dự thầu đăng ký mua hoặc bán giấy tờ có giá xong Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức xét thầu.

Bước 5: Sau khi xét thầu xong, kết quả đấu thầu sẽ được Ngân hàng Nhà nước thông báo.

Bước 6: Ngân hàng Nhà nước và thành viên ký, giao, nhận Hợp đồng cụ thể mua/bán có kỳ hạn giấy tờ có giá

Bước 7: Bên bán sẽ chuyển giao cho bên mua quyền sở hữu giấy tờ có giá. Trách nhiệm của bên mua là thanh toán giá trị hợp đồng mua cho bên bán và ngay trong ngày thanh toán đó bên mua và bên bán sẽ thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu.

Bước 8: Xử lý trường hợp các thành viên không thanh toán hoặc không thực hiện theo đúng hợp đồng và xử lý các vấn đề liên quan khác (nếu có).

Tổng quan về nghiệp vụ thị trường mở tại Việt Nam hiện nay

Theo số liệu mới công bố, tại ngày 31/3 thời điểm chốt quý 1/2022, hoạt động thị trường mở (OMO) ghi nhận lượng bơm ròng đáng kể từ Ngân hàng Nhà nước.

Theo ghi nhận, phiên chốt quý 1/2022 này có 3 thành viên tham gia, với lượng trúng thầu 3.167,36 tỷ đồng – đây là quy mô đáng kể nhất trong tháng 3 vừa qua. Theo đó, nguồn hỗ trợ này vẫn có kỳ hạn là 14 ngày và mức lãi suất vẫn ở là 2,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm thêm 122,19 tỷ đồng tại thời điểm ngày 01/4 và chỉ có 1 thành viên tham gia.

Tổng số dư nguồn hỗ trợ qua kênh này từ Ngân hàng Nhà nước đã gần mốc 5.000 tỷ đồng, cũng đều ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%/năm. Theo đó, nhà điều hành đều chào thầu ở kỳ hạn này với quy mô chào 10.000 tỷ đồng/phiên trong suốt thời gian qua.

Tổng số dư nguồn hỗ trợ qua kênh này từ Ngân hàng Nhà nước đã gần mốc 5.000 tỷ đồng

Tổng số dư nguồn hỗ trợ qua kênh này từ Ngân hàng Nhà nước đã gần mốc 5.000 tỷ đồng

Mặc dù chưa lớn, tuy nhiên hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn đang liên tiếp bơm ròng qua OMO để hỗ trợ cân đối nguồn ngắn hạn trong hệ thống. Trong khi tại thời điểm này năm ngoái toàn hệ thống không cần phải hỗ trợ.

Tuy nhiên, thị trường ghi nhận Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tiếp bơm ròng lượng lớn qua OMO để hỗ trợ nguồn cho hệ thống tại thời điểm chốt quý 1 và bước vào quý 2/2020, bên cạnh đó có những phiên bơm lên tới trên 9.000 tỷ đồng. Song điểm khác biệt lớn khi đó là thời điểm lần đầu tiên cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, trong cân đối nguồn của hệ thống các tổ chức tín dụng thì các hoạt động sản xuất kinh doanh và các dòng tiền cũng bị ảnh hưởng nhất định.

Còn một điểm khác biệt nữa đó là, lãi suất Ngân hàng Nhà nước ở cao điểm bơm ròng cuối quý 1 đầu quý 2/2020 còn áp tới 3,5%/năm thì nay lãi suất thấp chỉ với 2,5%/năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, lãi suất Ngân hàng Nhà nước áp dụng trên OMO cũng là một “chốt chặn” để góp phần bình ổn nhất định lãi suất trên các thị trường.

Theo đó, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đến cuối quý 1 đầu quý 2 này đã bình ổn trở lại dù đã cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021. Lãi suất qua đêm đã về sát mức 2%/năm, và đặc biệt đường cong lãi suất thay vì bị đảo ngược hồi đầu năm thì tại thời điểm này đã trở lại bình thường.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất USD đã tăng lên và tiếp tục tăng trong thời gian gần đây, như qua đêm đã trên 0,3%/năm, mà quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ trung tuần tháng 3 vừa qua là tác động chính đến mức lãi suất này.

Cập nhật một số lãi suất sáng 01/4

Cập nhật một số lãi suất sáng 01/4

Trong những ngày nửa đầu tháng 4/2022, trên thị trường mở OMO các hoạt động diễn ra tương đối sôi động và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm gần 1,2 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm.

Theo đó, tổng lượng tín phiếu đáo hạn là 720 tỷ đồng và nâng tổng lượng tín phiếu đang lưu hành lên 5,0 nghìn tỷ đồng. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND duy trì ở mức cao, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,29% (tăng 10 điểm cơ bản so với tuần trước) và kỳ hạn 1 tuần 2,52% (tăng 12 điểm cơ bản). Bên cạnh đó, lãi suất các kỳ hạn dài hơn (2 tuần – 3 tháng) cũng đã bắt đầu nhích tăng (12 – 22 điểm cơ bản), phản ánh kỳ vọng.

Trong khi đó, hầu như không có nhiều thay đổi đối với diễn biến của đồng VND. Trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND giao dịch quanh mức 22.865/USD (tăng 15 đồng so với tuần trước), trong khi tại các ngân hàng thương mại tỷ giá niêm yết tăng 20 đồng, kết tuần ở mức VND 22.690/23.000.

Trên thị trường tự do tỷ giá tiếp tục giảm nhiệt và thu hẹp khoảng cách với tỷ giá niêm yết, giao dịch ở VND 23.255/23.285.

Về mặt tích cực, VND vẫn được kỳ vọng được hỗ trợ từ dòng tiền ngoại tệ tích cực. Trong 3 tháng đầu năm 2022, giải ngân FDI đạt 4,42 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 7,8%. Trong khi đó theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3 cán cân thương mại đảo chiều xuất siêu 2,1 tỷ USD và nâng mức xuất siêu lên 1,5 tỷ USD trong quý 1/2022.

Trên thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn chào thầu hỗ trợ tạo nguồn 10.000 tỷ đồng/phiên, song mức độ bơm ròng qua đây là rất nhỏ; Cập nhật đến ngày 20/4/2022, số dư nguồn hỗ trợ qua đây vẫn chỉ có 2.470,47 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại thị trường mở (OMO) vừa qua thường chỉ có 1-2 tổ chức tín dụng tiếp cận, bởi trên thị trường liên ngân hàng lãi suất vay chi phí vẫn thấp hơn đáng kể (chỉ quanh 2,3% so với 2,5%/năm nếu vay Ngân hàng Nhà nước qua OMO).

Kết luận

Trên đây là các thông tin về thị trường mở là gì, quy trình, nghiệp vụ của thị trường mở cũng như tổng quan về thị trường mở tại Việt Nam hiện nay. Qua những nội dung này có thể thấy nhờ có nghiệp vụ thị trường mở mà ngân hàng Nhà nước có thể chủ động kiểm soát lãi suất bằng việc mua, bán giấy tờ có giá. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc quan tâm có thêm nhiều thông tin hữu ích về thị trường mở và nắm bắt được về tình hình thị trường mở của Việt Nam hiện nay. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.

Tôi là Lan Anh - Biên tập viên phân tích tài chính, với 5 năm tìm hiểu về thị trường tài chính cũng như đầu tư. Rất hy vọng những kiến thức mà tôi học hỏi và tích lũy được có thể hỗ trợ, cung cấp đến các bạn những thông tin chính xác, tư vấn hỗ trợ xử lý các dịch vụ tài chính, đầu tư hiệu quả nhất!

dang-ky-dau-tu-nhat-nam

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY

[contact-form-7 id="567" title="Form đăng ký Nhật Nam"]

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC