Chính sách tài khóa là gì? Có vai trò thế nào trong kinh tế vĩ mô

0
Tài chính

Chính sách tài khóa là một trong những chính sách rất quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay, theo đó chính sách này được sử dụng làm công cụ để tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Vậy chính sách tài khóa là gì, có vai trò như thế nào trong kinh tế vĩ mô. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu rõ qua bài viết dưới đây.

Tài khóa là gì?

Là chu kỳ trong thời gian 12 tháng. Đối với ngân sách nhà nước và của các doanh nghiệp hàng năm, tài khóa có hiệu lực cho báo cáo dự toán và quyết toán. Theo đó, tài khóa thường được sử dụng tương đương hoặc thay thế cho từ “năm quyết toán thuế” hoặc “năm tài chính”.

Chính sách tài khóa là gì?

Chính sách tài khóa (Fiscal Policy) là các biện pháp can thiệp đến hệ thống thuế khóa và chi tiêu của chính phủ, thông qua đó nhằm thúc đẩy để đạt được các mục tiêu như tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm hoặc ổn định giá cả và giảm thiểu lạm phát của nền kinh tế vĩ mô.

Có thể hiểu chính sách tài khóa một cách đơn giản, đây là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô. Theo đó, Chính phủ sẽ thông qua các biện pháp thay đổi chi tiêu và/hoặc thuế để nhằm tác động vào quy mô hoạt động kinh tế. Do đó, việc thực thi chính sách tài khóa sẽ được chính phủ thực hiện liên quan đến những thay đổi trong các chính sách thuế hoặc/và chi tiêu của chính phủ.

Lưu ý, chính quyền địa phương không có quyền và chức năng thực thi chính sách tài khóa mà chỉ chính quyền trung ương (chính phủ) mới có quyền và chức năng này.

Chính sách tài khóa là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô

Chính sách tài khóa là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô

Các loại chính sách tài khóa

Về cơ bản, có thể phân loại chính sách tài khóa thành 3 loại như sau:

Chính sách tài khóa trung lập

Chính sách trung lập còn được gọi là chính sách ngân sách cân bằng (Fiscal Neutral Policy) là loại chính sách cân bằng ngân sách mà tại đó các khoản chi tiêu của chính phủ được trả từ khoản thuế thu được. Nói cách khác, thu thuế thu được và chi tiêu chính phủ bằng nhau. Theo đó, chi tiêu của chính phủ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu từ thuế và mức độ của các hoạt động kinh tế có bị ảnh hưởng trung tính bởi kết quả thu được.

Đối với các quốc gia áp dụng chính sách tài khóa trung lập, chi tiêu của chính phủ bị hạn chế và tùy thuộc vào những gì họ mang lại và rất khó để ước tính số tiền thuế sẽ được mang lại từ năm này sang năm tiếp theo. Do đó, hàng năm các chính phủ thường sẽ dự báo doanh thu thuế và lập kế hoạch cho phù hợp.

Chính sách tài khóa mở rộng

Chính sách tài khóa mở rộng

Chính sách tài khóa mở rộng

Chính sách tài khóa mở rộng (Expansionary Fiscal Policy) là để tăng cường chi tiêu cho chính phủ so với nguồn thu thông qua: Mức độ chi tiêu của chính phủ gia tăng nhưng không tăng nguồn thu; nguồn thu từ thuế giảm xuống nhưng không giảm chi tiêu; hoặc tăng mức độ chi tiêu của chính phủ đồng thời giảm nguồn thu từ thuế. Theo đó, chính sách này được áp dụng để kích thích thị trường tăng trưởng, tạo thêm cho người lao động các công ăn việc làm.

Nhìn chung, mục đích chính sách này chính là thúc đẩy tăng trưởng đến mức kinh tế lành mạnh, tạo cho người dân công ăn việc làm, đây là điều rất cần thiết trong giai đoạn điều chỉnh của chu kỳ kinh tế. Nói cách khác, khi chính phủ muốn giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng nhu cầu tiêu dùng và tránh suy thoái kinh tế thì chính sách tài khóa mở rộng sẽ được áp dụng.

Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách này có thể dẫn đến việc ngân sách bị thâm hụt một cách nặng nề hoặc thặng dư ngân sách sẽ ít hơn, nếu như chính phủ tăng chi tiêu quá nhiều trong khi nguồn thu từ thuế không tăng theo, lúc này chính phủ buộc phải vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách. Điều này có thể gây ra cho nền kinh tế những bất ổn trong tương lai.

Chính sách tài khóa thu hẹp

Chính sách tài khóa thu hẹp (Contractionary Fiscal Policy) là chính sách cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế bằng một số nguồn thu khác của chính phủ như: giảm chi tiêu của chính phủ xuống nhưng không tăng thu; hoặc chi tiêu không giảm xuống nhưng lại tăng thu từ thuế hoặc giảm chi tiêu đồng thời tăng thu từ thuế. Chính sách này thường được sử dụng trong thời kỳ thịnh vượng của nền kinh tế.

Chính sách tài khóa thu hẹp

Chính sách tài khóa thu hẹp

Theo đó, làm chậm lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế đến mức kinh tế lành mạnh chính là mục đích của chính sách này. Lạm phát thường có thể tăng lên mức nguy hiểm, nhanh chóng làm mất giá tiền tệ trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao, điều này khiến cho người tiêu dùng lo lắng. Lúc này các chính phủ sẽ ban hành chính sách tài khóa điều chỉnh để giảm cung tiền và tổng cầu, dẫn đến giảm sản lượng và giảm mức giá để có thể làm chậm lạm phát. Cùng với đó, suy thoái để bù đắp có thể xảy ra nếu tăng trưởng kinh tế tăng đột biến quá nghiêm trọng. Theo đó, chính sách tài khóa thu hẹp có thể được ban hành bởi chính phủ để đảm bảo tốc độ chậm và ổn định trong suốt chu kỳ kinh doanh, duy trì đường tổng cầu, giảm thu nhập khả dụng của công dân và tiếp tục duy trì một nền kinh tế lành mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 – 3%. 

Bên cạnh đó, chính sách này còn là công cụ để chính phủ duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức tối ưu. Nếu so với mức thất nghiệp tự nhiên thì tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp hơn, lúc này việc tìm kiếm nhân lực của các doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn và nền kinh tế bị ảnh hưởng. Chính sách tài khóa thu hẹp ngăn tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức tối ưu, duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất mà không gây ra lạm phát. Theo đó, các chính phủ có thể sử dụng chính sách tài khóa điều chỉnh để giảm thâm hụt ngân sách của chính phủ và nợ quốc gia khi nền kinh tế đang bùng nổ và tiết kiệm tiền khi chính sách mở rộng có thể cần thiết cho những thời điểm trong tương lai.

Công cụ của chính sách tài khóa

Chi tiêu của chính phủ và thuế là hai công cụ chủ yếu được sử dụng trong chính sách tài khoá. Cụ thể:

Chi tiêu chính phủ

Chi tiêu của chính phủ bao gồm chi mua sắm hàng hóa dịch vụ và chi chuyển nhượng:

Chi mua hàng hoá dịch vụ: Tức là ngân sách mà chính phủ dùng để mua vũ khí, khí tài, xây dựng đường xá, cầu cống và các công trình kết cấu hạ tầng, trả lương cho đội ngũ cán bộ nhà nước… 

Chi mua sắm hàng hoá và dịch vụ của chính phủ quyết định quy mô tương đối trong tổng sản phẩm quốc nội – GDP của khu vực công so với khu vực tư nhân.  Tổng cầu sẽ bị tác động theo tính chất số nhân khi chính phủ tăng hay giảm chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Có nghĩa là, tổng cầu sẽ tăng nhiều hơn một đồng nếu chi mua sắm của chính phủ tăng lên một đồng và ngược lại, tốc độ thu hẹp của tổng cầu sẽ nhanh hơn nếu chi mua sắm của chính phủ giảm đi một đồng. Do đó, có thể xem chi tiêu mua sắm như một công cụ điều tiết tổng cầu. 

– Chi chuyển nhượng: Là các khoản mà Chính phủ trợ cấp cho các đối tượng chính sách như người nghèo hay các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội.

Theo đó, tổng cầu sẽ bị tác động gián tiếp khi chi chuyển nhượng thông qua việc ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng cá nhân. Cụ thể, tiêu dùng cá nhân sẽ tăng lên khi chính phủ tăng chi chuyển nhượng. Và qua hiệu số nhân của tiêu dùng cá nhân sẽ làm tổng cầu gia tăng.

Thuế

Về cơ bản,có thể chia thuế làm 2 loại như sau:

  • Thuế trực thu (direct taxes): Đây là loại thuế đánh trực tiếp lên tài sản và/hoặc thu nhập của người dân
  • Thuế gián thu (indirect taxes): Đây là loại thuế thông qua các hành vi sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế để đánh lên giá trị của hàng hóa, dịch vụ trong lưu thông. 

Thuế sẽ có 2 cách tác động trong một nền kinh tế nói chung. Cụ thể:

  • Cách thứ nhất: Thuế làm thu nhập khả dụng của cá nhân giảm xuống từ đó dẫn đến chi cho tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ của cá nhân giảm xuống. Điều này khiến tổng cầu và GDP giảm xuống. 
  • Cách thứ hai: Giá cả hàng hoá và dịch vụ bị “méo mó” bởi tác động của thuế từ đó khiến cho hành vi và động cơ khuyến khích của cá nhân cũng bị ảnh hưởng.

Chính sách tài khóa có vai trò thế nào trong nền kinh tế vĩ mô

Chính sách tài khóa có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong kinh tế vĩ mô. Cụ thể:

– Chính sách tài khóa là công cụ giúp chính phủ điều tiết nền kinh tế thông qua chính sách chi tiêu mua sắm và thuế. Trong điều kiện bình thường, sử dụng chính sách tài khoá để tác động đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ngược lại, chính sách tài khóa sẽ trở thành công cụ được sử dụng để giúp đưa trạng thái của nền kinh tế về cân bằng trong thời kỳ kinh tế có dấu hiệu suy thoái hoặc quá phát triển.

– Về mặt lý thuyết, đây là một công cụ được sử dụng thông qua thực thi chính sách chi tiêu của chính phủ và thu ngân sách (thuế) để nhằm khắc phục thất bại của thị trường và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế.

– Chính sách tài khóa là một công cụ phân phối và tái phân phối tổng sản phẩm quốc dân. Theo đó, chính sách này có mục tiêu là nhằm điều chỉnh phân phối thu nhập, cơ hội, tài sản, hay các rủi ro có nguồn gốc từ thị trường. Có nghĩa là chính sách tài khóa tạo ra môi trường ổn định cho đầu tư và tăng trưởng bằng cách tạo lập một sự ổn định về mặt xã hội. 

– Theo đó, tăng trưởng và định hướng phát triển chính là mục tiêu mà chính sách tài khóa hướng tới. Tăng trưởng (thu nhập), trực tiếp hay gián tiếp, đều là mục tiêu cuối cùng của chính sách tài khóa.

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ giúp ổn định nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng - phát triển

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ giúp ổn định nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng – phát triển

Điểm hạn chế của chính sách tài khóa

Bên cạnh vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế vĩ mô thì chính sách này cũng có những điểm hạn chế nhất định như sau:

– Trễ về mặt thời gian: Theo đó, Chính phủ phải mất một thời gian nhất định để thống kê những số liệu đáng tin cậy về nền kinh tế vĩ mô (có thể đến 6 tháng) để nhận biết sự thay đổi của tổng cầu. Sau khi nhận biết, cũng phải mất thêm một khoảng thời gian nữa thì Chính phủ mới có thể đưa ra những quyết định về chính sách và cũng cần phải có thời gian để tác động khi thực thi chính sách.

– Có hai vấn đề cơ bản mà Chính phủ luôn gặp phải khi quyết định chính sách tài khoá: 

  • Chính phủ không biết được việc điều chỉnh chi tiêu lên các biến số kinh tế vĩ mô dự tính có quy mô tác động cụ thể thế nào.
  • Các chính sách tài khóa không được như mong đợi bởi nếu có thể ước tính được về quy mô tác động thì sự ước tính này cũng chỉ dựa trên cơ sở số liệu quá khứ.

– Mức thâm hụt ngân sách thường lớn khi kinh tế suy thoái, có nghĩa là so với sản lượng tiềm năng thì sản lượng thực tế thấp xa và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Lúc này thâm hụt ngân sách trở nên lớn hơn bởi việc tăng thêm chi tiêu của chính phủ, điều này sẽ làm gia tăng thêm nợ của chính phủ chứ không chỉ dẫn đến nguy cơ gia tăng lạm phát. Từ đó, sự ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bị những tác động không thuận lợi.

– Vì việc tăng hay giảm chi tiêu ngân sách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các tầng lớp dân cư nên đây luôn là một nhiệm vụ khó khăn.

So sánh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Chỉ tiêu so sánh Chính sách tài khóa Chính sách tiền tệ
Giống nhau Cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều là chính sách/công cụ được thực hiện để ổn định và thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế.
Khác nhau
Khái niệm Chính sách tài khóa là các biện pháp can thiệp đến hệ thống thuế khóa và chi tiêu của chính phủ để tác động đến nền kinh tế. Là chính sách sử dụng các công cụ của hoạt động tín dụng để kiểm soát và điều tiết lượng cung tiền trong một nền kinh tế, từ đó ổn định và thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế.
Người tạo chính sách Chính phủ Ngân hàng trung ương
Mục tiêu Hướng nền kinh tế vào mức sản lượng và việc làm mong muốn.

Có thể hiểu một cách đơn giản, mục tiêu chính sách tài khóa là tăng trưởng kinh tế

Ổn định giá cả, tăng trưởng GDP, giảm thất nghiệp.
Công cụ thực hiện chính sách – Thuế 

– Số tiền chi tiêu của chính phủ

– Lãi suất

– Tỷ lệ dự trữ bắt buộc

– Chính sách tỷ giá hối đoái

– Nới lỏng định lượng

– Nghiệp vụ thị trường mở…

Sự thay đổi của chính sách Chính sách tài khóa thay đổi hàng năm. Sự thay đổi trong chính sách tiền tệ phụ thuộc vào tình trạng kinh tế của quốc gia.
Có quan hệ với Doanh thu & Chi tiêu của Chính phủ Ngân hàng & Kiểm soát Tín dụng

Những câu hỏi thường gặp về tài khóa

Thâm hụt tài khóa là gì? 

Thâm hụt tài khóa (Fiscal Deficit) là sự thiếu hụt thu nhập so với chi tiêu của chính phủ. Khi chi tiêu của Chính phủ vượt quá thu nhập thì sẽ xảy ra thâm hụt tài khóa. 

Có thể tính thâm hụt tài khóa bằng tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hoặc là tổng số đô la chi tiêu vượt quá so với thu nhập thu nhập. Theo đó, con số thu nhập không bao gồm tiền đã vay để bù đắp sự thiếu hụt mà chỉ bao gồm thuế và các khoản thu khác trong cả 2 trường hợp.

Kỷ luật tài khóa là gì?

Là tập hợp các quy tắc và quy định về việc dự thảo, phê duyệt, thực hiện ngân sách nhà nước. Có thể hiểu kỷ luật tài khóa theo một cách khác như: Trong pháp luật, đây là các giới hạn về các chỉ tiêu tài khóa được chuẩn hóa, có nghĩa là các mức được đưa ra về thu, chi tiêu công, cân bằng ngân sách và nợ công. Theo đó, đảm bảo kỷ luật về tài khóa chính là tuân thủ các chỉ tiêu này.

Kỷ luật tài khóa được hình thành trong bối cảnh vĩ mô của nền kinh tế và giúp chính quyền các cấp tránh được những tiêu cực về tài khóa do khó khăn và đóng góp tích cực đối với sự ổn định tài chính của quốc gia. 

Chính sách tài khóa của Việt Nam trong phát triển kinh tế

Trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế ổn định. Tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn có nhiều chuyển biến nhất định dù chịu nhiều sự tác động. Đây chính là kết quả của sự phối hợp giữa chính sách tài khóa với các chính sách khác của Chính phủ.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng thu NSNN đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, so với dự toán vượt 16,4%, so với thực hiện năm 2020 tăng 3,7%. Chi NSNN hoàn thành mục tiêu đề ra, bảo đảm đủ nguồn cho đầu tư phát triển và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước. Trong đó, đã chi cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ là 74.000 tỷ đồng. Dù còn khó khăn nhưng cả năm, bội chi NSNN thực hiện đạt dưới 4% GDP.

Tài khóa tham gia tích cực vào quá trình phục hồi kinh tế

Dự báo trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ có tác động lớn tới nền kinh tế. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế, tham mưu các giải pháp hỗ trợ phù hợp trong chương trình phục hồi kinh tế với sự tham gia tích cực của chính sách tài khóa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi với báo chí nhân dịp đầu năm 2022 cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) là một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Đối với thu NSNN trong bối cảnh dịch COVID-19 thời gian qua, bên cạnh yếu tố hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng tiêu cực thì thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN, người dân cũng là yếu tố khiến cho NSNN bị ảnh hưởng.

Đặt trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng lớn đã tạo ra thách thức với cân đối NSNN, khi vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh… Tuy nhiên, để có thể khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính xác định vẫn luôn đồng hành, hỗ trợ các DN và người dân vượt qua khó khăn, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách và góp phần khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh.

Dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự phục hồi và phát triển kinh tế của DN, người dân và nền kinh tế sẽ có những tác động lớn. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như các chính sách ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới cũng tác động rất lớn tới sự phục hồi và phát triển kinh tế. Để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với số tiền 291.000 tỷ đồng, trong đó từ chính sách tài khóa là 240.000 tỷ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, thủ tục hành chính được cải cách theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, các lĩnh vực của ngành tài chính tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và DN, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo dự báo của các chuyên gia, dịch COVID-19 có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2022, nguy cơ xuất hiện biến thể mới, phức tạp và nguy hiểm hơn; vaccine và thuốc điều trị có thể tiếp tục khan hiếm.

Dịch COVID-19 có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2022

Dịch COVID-19 có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2022

Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, để bảo đảm sẵn sàng nguồn lực chống dịch Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội bố trí 10.000 tỷ đồng chi thường xuyên thuộc lĩnh vực y tế từ nguồn ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2022 cho công tác phòng chống dịch COVID-19; 20,5 nghìn tỷ đồng dự phòng NSTW (khoảng 2,5% tổng chi NSTW), so với dự toán năm 2021 tăng 3.000 tỷ đồng (17,14%) và 1,7 nghìn tỷ đồng chi dự trữ quốc gia, so với dự toán năm 2021 tăng 500 tỷ đồng để chủ động nguồn lực phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ trọng yếu khác.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm, cắt giảm chi của NSTW cho dự phòng NSTW trong năm 2021 để chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Dự kiến diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới trong thời gian tới còn rất phức tạp, những biến thể mới lây lan nhanh hơn xuất hiện và khó lường hơn, theo đó để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế đòi hỏi phải có chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu lên một số ưu tiên cần tập trung triển khai thực hiện trong giai đoạn tới để vượt qua khó khăn, thách thức nêu trên như sau:

Thứ nhất, ưu tiên trước mắt của nền kinh tế cũng như của ngành tài chính chính là kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành thu, chi ngân sách phù hợp thông qua việc bám sát diễn biến và tác động của dịch COVID-19, tình hình kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế; các giải pháp tài khóa được tổ chức thực hiện thành công và phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả với chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo phê duyệt của cấp thẩm quyền. 

Thứ hai, tập trung thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hóa đơn điện tử cần được đẩy mạnh sử dụng và áp dụng từ ngày 1/7/2022 trên phạm vi toàn quốc; tăng cường thực hiện tài chính số… tạo môi trường thuận lợi, giảm chi phí, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Đồng thời, quản lý thu cần được tăng cường, đặc biệt là thu hoạt động thương mại điện tử, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công…

Thứ ba, chi NSNN cần quản lý hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch; các chính sách an sinh xã hội; các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội…

Thứ tư, tiếp tục rà soát để các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính – ngân sách… được hoàn thiện, bảo đảm thống nhất, minh bạch; đổi mới cơ chế phân cấp NSNN, tăng cường vai trò chủ đạo của NSTW bằng cách nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật NSNN, tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương và các cơ quan, đơn vị; các luật thuế và các quy định liên quan cần được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức…

Thứ năm, bội chi ngân sách, nợ công phải được kiểm soát chặt chẽ, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay; các giải pháp cơ cấu lại nợ công phải chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật; các chỉ tiêu an toàn nợ công; an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia được đảm bảo.

Thứ sáu, quản lý phát triển ổn định, an toàn các thị trường tài chính, chứng khoán, phát huy hiệu quả vai trò huy động vốn cho NSNN cũng như nền kinh tế; tiếp tục mở cửa theo lộ trình cam kết…

Thứ bảy, ông Hồ Đức Phớc khẳng định bộ máy quản lý tài chính sẽ được nâng cao hiệu quả, hiệu lực; tổ chức sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, phấn đấu đến năm 2025 Chính phủ điện tử, Chính phủ số sẽ hoàn thành xây dựng ở các hệ thống cơ quan quản lý tài chính công trọng yếu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN; phòng chống tham nhũng, lãng phí; đối với các vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Quốc hội ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Ngày 11/01/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Theo đó, mục tiêu của chính sách này là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025: Tăng trưởng GDP bình quân 6,5 – 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, ở khu vực thành thị có tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, đảm bảo tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, đặc biệt là đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Về chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong năm 2022 Quốc hội quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), ngoại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cho kỳ tính thuế năm 2022.

Đối với chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tăng tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023.

Bên cạnh đó, hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua; cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng; thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

Về chính sách tiền tệ, để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cần điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc phải tính toán hợp lý, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là đối với lĩnh vực ưu tiên để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% – 1% trong 2 năm 2022 và 2023.

Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được miễn, giảm lãi vay. Có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp bằng cách theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ, đồng thời các hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng phải được bảo đảm an toàn; điều tiết thanh khoản phù hợp, đối với các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất cần tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, đối với việc phát hành trái phiếu Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ; sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết…

Kết luận

Trên đây là những thông tin về chính sách tài khóa là gì và vai trò của chính sách này trong kinh tế vĩ mô cũng như tổng quan về chính sách tài khóa của Việt Nam trong phát triển kinh tế. Qua đó có thể thấy, trong nền kinh tế vĩ mô chính sách tài khóa có vai trò và ý nghĩa quan trọng và là một công cụ giúp ích trong việc điều chỉnh và định hướng phát triển kinh tế của một đất nước. Hy vọng với những nội dung bài viết sẽ giúp bạn đọc quan tâm trang bị được những kiến thức hữu ích về chính sách này.

Tôi là Lan Anh - Biên tập viên phân tích tài chính, với 5 năm tìm hiểu về thị trường tài chính cũng như đầu tư. Rất hy vọng những kiến thức mà tôi học hỏi và tích lũy được có thể hỗ trợ, cung cấp đến các bạn những thông tin chính xác, tư vấn hỗ trợ xử lý các dịch vụ tài chính, đầu tư hiệu quả nhất!

dang-ky-dau-tu-nhat-nam

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY

[contact-form-7 id="567" title="Form đăng ký Nhật Nam"]

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC