Thực trạng lấn chiếm đất thủy lợi hiện nay
Hiện nay tình trạng lấn chiếm đất thủy lợi vẫn diễn ra ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Dù các cơ quan chức năng đã cố gắng ngăn chặn xong chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể tình trạng đó diễn ra như sau:
– Tính đến đầu tháng 6/2021, thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho thấy có 13.025 vụ vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố. Trong đó, từ đầu năm 2021 đến 6/2021 đã phát hiện 158 vụ vi phạm.
– Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, tổng số trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tính đến ngày 31/5/2021 đã phát hiện là 6.538 vụ. Trong đó, các vi phạm thường gặp là xây dựng nhà ở, san lấp lấn chiếm, làm lều quán…
– Tính đến tháng 11/2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có hơn 130 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất công trình thủy lợi, phổ biến nhất ở:
- Hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom)
- Đê Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch)
- Hồ Gia Ui (huyện Xuân Lộc)
- Công trình hồ Cầu Mới (huyện Long Thành)…
Lấn chiếm đất thủy lợi có bị xử phạt không?
Tình trạng lấn chiếm đất thủy lợi vẫn diễn ra khá phổ biến cho đến ngày nay. Đây là một hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Lấn chiếm đất thủy lợi có bị xử phạt
Căn cứ Điều 5, Điều 17 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BNNPTNT quy định mức xử phạt với vi phạm lấn chiếm đất thủy lợi như sau:
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với hành vi lấn chiếm bãi sông, lòng sông làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục.
– Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Làm lều, quán, tường; xây dựng các công trình tạm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
- Đào, cuốc, xới, đánh vầng cỏ, gieo trồng các loại cây hoa màu trên bờ, mái kênh, mái đập đất.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Xây dựng lò gạch, lò vôi, chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học, trồng cây lâu năm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
- Đào đắp ao, hồ trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
– Phạt tiền đối với hành vi mở rộng quy mô công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng, cơi nới, lấn chiếm làm tăng diện tích công trình dưới 10m2
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng, cơi nới, lấn chiếm làm tăng diện tích công trình từ 10m2 đến 30m2;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng, cơi nới, lấn chiếm làm tăng diện tích công trình trên 30m2.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng trái phép công trình ngầm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi pham như sau:
- Xây dựng nhà ở, công trình phụ, cầu, kè, nơi sản xuất và các công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Lập bến bãi, tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện trái phép với mục đích kinh doanh trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Biện pháp khắc phục
Theo quy định tại Khoản 9, Điều 17, Văn bản hợp nhất trên biện pháp khắc phục như sau:
Bên cạnh việc có thể bị phạt tiền, người vi phạm sẽ buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu và tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
Kết luận
Vậy việc lấn chiếm đất thủy lợi trái phép có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng theo quy định hiện nay. Hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn.