Thực trạng lấn chiếm đất nghĩa trang hiện nay
Hiện nay, hành vi lấn chiếm đất nghĩa trang vẫn còn tiếp diễn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Số lượng vi phạm cũng ngày một gia tăng.
Việc người dân tự ý lấn chiếm, san lấp đất ruộng liền kề, xây tường bao khoanh vùng, xây đắp mộ giả để giữ đất… trong nhiều năm qua. Sự việc này xảy ra kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: Phần diện tích lớn đất ruộng xung quanh nghĩa trang có nguy cơ bị san lấp, mẫu thuẫn tranh chấp đất nghĩa trang giữa người dân trên địa bàn thường xuyên xảy ra gây mất trật tự an ninh.
Trên trang hanoimoi.com.vn, năm 2021 trên khu vực đất nghĩa trang trong ngõ 12 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội đã xảy ra tình trạng một số cá nhân lấy danh nghĩa xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bá để lấn chiếm hàng nghìn mét vuông đất. Theo đó, họ tự ý quây tường rào, dựng cột sắt, dựng khung nhà sắt lợp mái ngay trên đất nghĩa trang gây bất bình dư luận. Trước phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm đồng thời cưỡng chế các hạng mục xây dựng trái phép nhưng chỉ sau một thời gian ngắn vi phạm này lại được tiếp diễn.
Có thể thấy, việc lấn chiếm đất mộ vẫn diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương. Vậy nhà nước có biện pháp gì với những hành vi trái phép này?
Lấn chiếm đất nghĩa trang bị xử phạt không?
Đương nhiên, lấn chiếm đất nghĩa trang sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng được xếp vào nhóm đất phi nông nghiệp theo quy định hiện hành. Căn cứ Khoản 4, Khoản 5, Điều 14, Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“4. Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức”.
Như vậy, mức xử phạt hành chính với hành vi lấn chiếm đất nghĩa địa trái phép từ 10 triệu – 500 triệu đồng ở khu vực nông thôn. Nếu vi phạm ở khu vực đô thị thì mức xử phạt gấp 2 lần với từng trường hợp theo quy định trên, tối đa 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức.
Biện pháp khắc phục hậu quả
Bên cạnh xử phạt hành chính như ở trên, các đối tượng vi phạm buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 7, Điều 14, Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm
- Buộc trả lại đất nghĩa trang đã lấn, chiếm, trừ trường hợp buộc phải đăng ký đất đai nếu đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định hoặc buộc phải thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trên.

Biện pháp khắc phục hậu quả
Lấn chiếm đất nghĩa trang có được cấp sổ đỏ không?
Đất nghĩa trang, nghĩa địa thuộc loại đất công cộng được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, không được cấp Sổ đỏ theo quy định.Đó là lí do lấn chiếm đất nghĩa trang sẽ không được cấp sổ đỏ.
Căn cứ Khoản 7, Điều 19, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 19. Các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
…
Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh”.
Theo quy định trên đất nghĩa trang, nghĩa địa thuộc loại đất công cộng được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, không được cấp Sổ đỏ theo quy định. Vì vậy, lấn chiếm đất nghĩa trang sẽ không được cấp sổ đỏ.
Vậy, lấn chiếm đất nghĩa trang không chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định mà người vi phạm còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Kết luận
Hy vọng những thông tin về mức xử phạt và biện pháp khắc phục khi lấn chiếm đất nghĩa trang sẽ hữu ích cho bạn đọc. Chúc bạn một ngày tốt lành!